ới hơn 200 ngàn xe nhập khẩu vào Việt Nam trong giai đoạn 2011-2017, thị trường xe Việt chứng kiến màn đổ bộ xe hơi nguyên chiếc đến từ nhiều nước. Trong đó nổi cộm với những cái tên như Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và Indonesia bên cạnh Mỹ và một số nước châu Âu chủ yếu là xe cao cấp với số lượng ít.
Xe nhập từ ASEAN vẫn chưa phải lợi thế
Cụ thể, xe từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan là những cái tên “truyền thống” không còn xa lạ với người Việt. Riêng Hàn Quốc vẫn đang là nước cung cấp nhiều xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi cho thị trường Việt nhờ sự tăng trưởng nhanh về doanh số của Hyundai-Kia với 84.200 chiếc trong giai đoạn 2011-2017. Cùng thời điểm này, chỉ có 28.600 xe du lịch đến từ Thái Lan, hơn 22.000 xe đến từ Nhật Bản.
Sở dĩ lượng xe du lịch đến từ Thái Lan vào Việt Nam không đáng kể là do lượng xe nhập khẩu từ thị trường này chủ yếu là xe bán tải. Là một trong hai công xưởng bán tải lớn nhất thế giới, Thái Lan nghiễm nhiên là nguồn cung chính cho toàn bộ phân khúc bán tải, chiếm tới hơn 90% lượng xe nhập từ nước này vào Việt Nam. Với ưu đãi thuế từ lâu, các hãng xe đang kinh doanh bán tải mặc dù có nhà máy tại Việt Nam cũng không mặn mà với việc lắp ráp vì vấn đề chi phí.
Riêng đối với Nhật Bản, dù các thương hiệu xe Nhật chiếm phần lớn dung lượng thị trường Việt nhưng hầu hết các mẫu xe đều được lắp ráp nên lượng xe nhập khẩu cũng không cao chủ yếu là dòng xe cao cấp của Toyota hay thương hiệu Lexus và người đồng hương Mitsubishi. Trái ngược với những thị trường kể trên Ấn Độ, Indonesia lại nổi lên như những hiện tượng nhờ sự tăng trưởng đột biến về lượng xe nhập vào Việt Nam.
Trong đó dù mới bùng nổ từ năm 2014 với 13.249 xe nhưng với đà tăng trưởng theo cấp số nhân đạt 55.114 xe trong năm 2017, Ấn Độ nghiễm nhiên trở thành nước xuất khẩu xe du lịch sang Việt Nam nhiều nhất trong giai đoạn 2011-2017. Lượng xe tăng đột biến này chủ yếu là xe giá rẻ đến từ thương hiệu Hyundai khi Hyundai Thành Công chưa triển khai được dây chuyền lắp ráp trong nước.
Một cái tên khác cũng không thể bỏ qua là Indonesia với lượng xe nhập khẩu từ chỗ đếm trên đầu ngón tay tăng vọt lên 13.426 chiếc trong năm ngoái. “Hiện tượng” của Indonesia đang báo hiệu một cơn gió đảo chiều mới trong năm nay 2018.
Gió sẽ đảo chiều
Những thông tin kể trên có thể là toàn bộ câu chuyện nhập khẩu xe dưới 9 chỗ ngồi vào Việt Nam trong giai đoạn 2011-2017 nhưng tới năm 2018 có thể sẽ là một câu chuyện hoàn toàn khác. Những thị trường đang có dung lượng nhập khẩu xe nhiều nhất vào Việt Nam sẽ giảm dần nhường chỗ cho các thị trường yếu thế hơn như Thái Lan hay Indonesia.
Trong đó, không phải hiện tượng thức thời, Indonesia dự kiến sẽ là thị trường xuất khẩu xe bền vững vào Việt Nam trong tương lai, vượt Hàn Quốc, Nhật Bản thậm chí cả Ấn Độ. Nhờ thuế nhập khẩu trong khu vực ASEAN còn 0% đối với xe có tỉ lệ nội địa hóa trên 40%, Việt Nam đang trở thành thị trường đầy hứa hẹn của ngành công nghiệp ô tô Indonesia nhờ sự đa dạng hóa các mẫu xe du lịch lắp ráp tại đây từ giá rẻ tới tầm trung. Bằng chứng là trong năm 2017, lượng xe nhập khẩu từ Indonesia tăng vọt khi nhiều hãng xe bỏ lắp ráp chuyển sang nhập khẩu từ thị trường này.
Ngoài ra, Thái Lan cũng đang nổi lên là thế lực tiếp theo khi có thêm nhiều mẫu xe du lịch, chủ yếu của Honda được nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Thời gian tới, sẽ không chỉ có bán tải, xe du lịch “Made in Thailand” cũng hứa hẹn sẽ chiếm số lượng không nhỏ trong lượng xe nhập đổ dồn về Việt Nam khi các cửa đã “thông”.
Trái ngược với hai thị trường trên, xe nhập khẩu từ Ấn Độ, Hàn Quốc dự kiến sẽ giảm mạnh trong năm nay và những năm tới. Nguyên nhân không phải vì nhu cầu thị trường giảm mà là do hai “đại gia” Trường Hải và Hyundai Thành Công đang tập trung vào lắp ráp trong nước hướng đến xuất khẩu thay vì nhập khẩu. Trước đó, lượng xe từ Ấn Độ và Hàn Quốc đổ về Việt Nam cũng chủ yếu đến từ những thương hiệu mà hai công ty này đang phân phối. Cùng với việc thị trường ngoài ASEAN không nhận được ưu đãi thuế nhập khẩu nên việc giảm về lượng là đương nhiên.
Theo Việt Đức (Thanh Niên Online)