Trong lĩnh vực an toàn xe hơi, hệ thống cân bằng điện tử (ESC) có lẽ là phát minh đơn lẻ quan trọng nhất chỉ sau hệ thống chống bó cứng phanh (ABS). Được Bosch giới thiệu năm 1995 trên dòng Mercedes-Benz S và BMW 7-series, hệ thống cân bằng điện tử kết hợp ABS, kiểm soát lực kéo với cảm biến góc lái. Nếu phương tiện có dấu hiệu trượt mất kiểm soát, hệ thống cân bằng sẽ được kích hoạt. Việc này diễn ra tự động và êm ái đến mức người lái không phát hiện thấy sự bất thường. Hệ thống chống bó cứng phanh (ABS) tuy có từ khá lâu nhưng không bắt buộc tới khi ESC xuất hiện. Hệ thống ABS tự động nhấp nhả phanh liên tục, giúp các bánh xe không bị bó cứng, cho phép người lái duy trì khả năng điều khiển xe tránh chướng ngại vật và đảm bảo ổn định thân xe. Nếu không có hệ thống ABS, trong trường hợp người lái nhấn chân phanh đột ngột, bánh dẫn hướng sẽ bị khóa cứng dẫn tới tình trạng không thể điều khiển, mất lái và có thể gây tai nạn đáng tiếc. Tại Mỹ, hệ thống theo dõi áp suất lốp (TPMS) là hệ thống bắt buộc phải có từ năm 2007. Phiên bản TPMS đơn giản chỉ theo dõi tốc độ bánh xe và so sánh với giá trị định trước. Khi một lốp tụt hơi, nó sẽ quay ở tốc độ nhanh hơn một chút với những lốp còn lại, và đèn cảnh báo sẽ bật lên. Trong khi đó, phiên bản hiện đại hơn sử dụng cảm biến áp suất lốp không dây gắn trực tiếp vào từng bánh xe nên có thể biết ngay áp suất lốp đang ở mức bao nhiêu. Volvo là hãng đầu tiên ra mắt túi khí gắn bên sườn xe cho chiếc sedan và wagon 850 đời 1995. Được gắn vào ghế hoặc cạnh xe, túi khí dạng này giúp giảm đáng kể chấn thương phần ngực khi xảy ra va chạm từ cạnh bên. Một số mẫu xe như Mercedes-Benz E-class trang bị hai túi khí sườn xe riêng biệt, trong khi SUV cỡ vừa của GM như Chevrolet Traverse, Buick Enclave và GMC Acadia chỉ dùng một túi khí giảm lực va đập từ phía đối diện cho cả người lái và hành khách. Hầu hết mẫu xe mới đắt tiền hiện nay đều gắn túi khí sườn xe. Volvo S80 đời 1999 là mẫu xe đầu tiên được trang bị túi khí rèm bảo vệ người ngồi trước và hàng ghế sau khỏi mảnh vỡ từ kính cửa sổ khi xảy ra va chạm. Cũng như túi khí sườn xe, túi khí rèm không phải là yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, các mẫu xe hiện đại đều trang bị túi khí dạng này. Vài giây sau va chạm, túi khí vẫn phồng nhằm bảo vệ đầu và phần thân trên cơ thể khỏi mảnh kính bắn vào. Thép gia cường (thép cường độ cao) loại mới sử dụng hợp kim đặc biệt nhẹ và bền bỉ hơn thép truyền thống. Khi sử dụng cho những khu vực quan trọng như cột và sàn xe, thép gia cường không dễ cong vênh hay bị xoắn. Ngoài ra, kết cấu xe sử dụng thép gia cường cũng giúp tăng đáng kể khả năng điều khiển phương tiện. Có tên gọi chính thức đèn pha phóng điện cường độ cao (HID) , Xeon được xem là giải pháp khả thi hơn so với đèn halogen nhờ nhiệt độ màu và lượng ánh sáng tự nhiên tạo ra. Ngoài độ sáng cao hơn, đèn pha HID thích ứng còn tự động duy trì cường độ ánh sáng phù hợp với tầm mắt người lái, đồng thời quét góc rộng hơn nhất là khi vào cua. Khả năng này giúp lái xe an toàn hơn nhiều vào ban đêm. Ai đã từng rơi vào tình huống mải mê nhìn điện thoại rồi ngẩng lên thấy xe sắp chạm đuôi xe trước sẽ thầm cảm ơn tính năng phanh khẩn cấp tự động . Thông qua camera hình ảnh, máy quét laser, radar hoặc hệ thống kết hợp tất cả công cụ này, phanh tự động kiểm soát toàn bộ xe và có thể dừng xe tại chỗ nếu phát hiện dấu hiệu sắp va chạm. Một số hệ thống phanh tự động có thể nhận diện và phản ứng với người đi bộ hoặc đạp xe. Sử dụng radar và cảm biến siêu âm gắn vào gương chiếu hậu, trước và sau xe, hệ thống theo dõi điểm mù được xem là hệ thống trợ giúp lái xe chính xác nhất và ít gây xao nhãng nhất hiện nay. Tuy cảm biến có thể hoạt động không chính xác trong điều kiện thời tiết xấu như mưa tuyết, bụi bẩn, nhưng nhờ đèn cảnh báo nhấp nháy trên gương hoặc cửa xe, người lái có thể tránh được nguy cơ va chạm nguy hiểm từ phía sau. Không nhiều mẫu xe có hệ thống nhìn đêm do công nghệ này vẫn còn khá đắt đỏ. Tuy nhiên, trên các mẫu xe hạng sang, camera hồng ngoại có thể quan sát hình ảnh xa hơn tầm chiếu của đèn pha khi di chuyển ban đêm, thậm chí có thể thấy cả người hoặc động vật trên màn hình. Tất nhiên, người lái không thể tắt đèn pha ban đêm chuyển sang hệ thống nhìn đêm. Không nhà sản xuất nào muốn điều này bởi rõ ràng không đảm bảo an toàn. Hiệu quả của hệ thống cảnh báo chệnh làn đường và trợ giúp giữ làn đến đâu vẫn là điều cần bàn nhưng rõ ràng công nghệ này là cần thiết giúp xe đi đúng làn đường và tránh va chạm có thể xảy ra. Trong khi cảnh báo chệch làn đường chỉ đơn thuần rung tay lái hoặc rung ghế ngồi thì trợ giúp giữ làn can thiệp vào phanh hoặc chủ động đánh lái phương tiện đi đúng làn đường. Vấn đề duy nhất là cảm biến cần được giữ sạch sẽ. Thời tiết xấu hoặc làn đường kẻ vẽ không chính xác sẽ ảnh hưởng đáng kể tới hiệu quả hoạt động của hệ thống này. Theo Gia Nguyễn (Tri Thức Trực Tuyến)