Theo Bloomberg, Genesis, dòng xe hạng sang của Hyundai Motor, đứng hạng nhất trong bảng xếp hạng của J.D. Power năm nay với 68 vấn đề được báo cáo trong 100 xe. Kia và Hyundai thì đứng hạng nhì và ba, trên Porsche và Ford lần lượt ở hạng năm và sáu. Liền sau các thương hiệu ô tô trên là: Chevrolet, Lincoln, Lexus, Ram, Nissan, BMW, Cadillac, Mini, Infiniti và Mercedes-Benz.
Bộ ba thương hiệu ô tô Hàn Quốc soán ngôi những cái tên lâu năm đến từ Nhật Bản như Toyota và Honda. Cả hai hãng này đều đứng dưới mức trung bình của ngành, tức 93 vấn đề được báo cáo trên mỗi 100 xe. Bảng xếp hạng dựa trên khảo sát người tiêu dùng sau 90 ngày sở hữu xe.
“Nó bắt đầu từ vị trí cao nhất của Hyundai. Khi họ lần đầu hình thành một phương tiện, họ là những người tiêu dùng khắt khe về đầu vào của khách hàng”, Dave Sargent, phó chủ tịch nghiên cứu xe toàn cầu của J.D. Power cho hay.
Độ tin cậy dành cho một số mẫu ô tô tại thị trường Mỹ có cải thiện. Số lượng trung bình các vấn đề trên 100 chiếc giảm còn 93. Nhiều lỗi được báo cáo là vấn đề thiết kế, đặc biệt về các thiết bị điện tử, chẳng hạn như người dùng gặp khó trong việc chỉnh hệ thống âm thanh như ý.
“Vấn đề cơ học không phổ biến như trước. Thông tin giải trí là mảng có vấn đề lớn nhất trên một chiếc xe. Những vấn đề thiết kế này khiến khách hàng trở nên khó chịu nhiều hơn là chuyện xe hỏng”, ông Sargent nói.
Các hiệu xe Hàn và Porsche có thứ hạng cao nhất một phần vì họ giữ hệ thống điện tử và thông tin giải trí đơn giản, tránh các sự phức tạp dễ dẫn đến vấn đề phần mềm hoặc sự nhầm lẫn. Kia Motors, hãng có 34% sở hữu thuộc Hyundai, đứng vị trí thứ nhì trong bảng xếp hạng với 72 vấn đề được báo cáo trên mỗi 100 xe. Hyundai đi từ vị trí thứ sáu năm ngoái lên thứ ba năm nay với mức điểm là 74.
Trong danh sách các hãng xe gặp nhiều vấn đề nhất có Volvo, thương hiệu ô tô Thụy Điển do Zhejiang Geely Holding Group của Trung Quốc sở hữu. Volvo đứng thứ 29 trong tổng số 31 thương hiệu được khảo sát. Hệ thống thông tin giải trí phức tạp là yếu tố khiến trải nghiệm người tiêu dùng gặp trở ngại. Thương hiệu Jaguar và Land Rover của Tata Motors cũng có các vấn đề tương tự, bị xếp hai vị trí chót bảng.
Các thương hiệu nổi trội "made in Germany" như BMW và Daimler thì bị than phiền là có nhiều thiết bị điện tử phức tạp. BMW và Mercedes-Benz thể hiện tốt hơn một chút so với mức trung bình của ngành, đạt lần lượt 87 và 92 điểm.
Toyota Motor và Honda Motor tuột hạng vì phàn nàn của người dùng về thiết bị điện tử. Đây là hai cái tên từng đứng đầu bảng xếp hạng, nổi tiếng với những chiếc xe không biết hư hỏng là gì. Dù vậy, hiện cả hai đều có vấn đề với công nghệ mới. Toyota đứng hạng 17 còn Honda ở hạng 23.
Theo Thu Thảo (Thanh Niên Online)