Hãng công nghệ của Nhật đang thử nghiệm bốn chiếc xe kết nối với nhau qua hệ thống V2X. Trên dãy màn hình lớn tại Trung tâm Khai thác Mạng Panasonic ở Denver, chúng được thể hiện qua bốn chấm di chuyển giống như trò chơi Pac-Man.
Mỗi chấm di chuyển là một chiếc xe, và trên thực tế là xe đầu tiên thế giới có thể giao tiếp với nhau, “nói chuyện” với đèn giao thông, với người đi bộ, và thậm chí với cơ quan quản lý chính phủ.
Panasonic gọi đó là hệ thống giao tiếp V2X. Hiện mới có bốn chấm di chuyển nhưng tương lai sẽ là hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng triệu chấm di chuyển trên màn hình khi xe được tích hợp công nghệ V2X từ lúc sản xuất.
Tại Denver, Panasonic kết hợp với Sở giao thông vận tải Colorado (CDOT) triển khai sáng kiến thành phố thông minh CityNow với pin mặt trời, Wi-Fi miễn phí, cảm biến kiểm soát ô nhiễm môi trường và công nghệ V2X.
Chỉ vào màn hình theo dõi, Chris Armstrong, giám đốc bộ phận di động thông minh của Panasonic, cho biết cứ mười lần mỗi giây các phương tiện sẽ khởi tạo, chia sẻ và phát dữ liệu liên quan như góc đánh lái, các trạng thái tốc độ, gạt mưa, túi khí và hệ thống kiểm soát lực kéo.
Bộ tiếp sóng lắp trên cột đèn đường sẽ sẽ nhận tín hiệu và chuyển phát về trung tâm khai thác CDOT qua cáp quang.
Giảm tai nạn chết người
Jarrett Wendt, phó chủ tịch phụ trách CityNow hứa hẹn công nghệ V2X sẽ giúp giảm đáng kể các vụ tai nạn chết người xuống còn 20%. Điều đó có nghĩa 80% vụ tai nạn trong tương lai sẽ không có thương vong về người.
Hơn hẳn tính năng “Find my iPhone” thường thấy, V2X có thể làm được nhiều thứ. Xe hiện đại ngày nay được trang bị nhiều công nghệ theo dõi như cảm biến, camera, radar, microphone và đó là những mắt thần của V2X.
Trước đây, radar doopler trên xe chỉ hiển thị dữ liệu cơ bản về thời tiết trên bản đồ, trong khi cảm biến hiện đại cho thông tin chính xác và chi tiết hơn. Chẳng hạn, gạt mưa có thể đo được lượng mưa, kích hoạt hệ thống kiểm soát lực kéo khi gặp đường trơn trượt.
Armstrong cho biết CDOT có thể ra cảnh báo đường trơn vào mùa đông tuyết rơi, cảnh báo tài xế về tai nạn ở góc cua, thậm chí ra cảnh báo khu vực xây dựng khi quan sát thấy công nhân làm việc trên đường phía trước.
Bản thân phương tiện tích hợp V2X có thể truyền thông điệp cho nhau trong khoảng cách 2 km. Về cơ bản những cộng đồng nhỏ sẽ hưởng lợi từ V2X do có nhiều phương tiện được kết nối.
Ngay cả người đi bộ, đạp xe cũng hưởng lợi từ V2X khi smartphone của họ được kết nối với hệ thống nhận diện và đoán biết nguy cơ va chạm. Khi đó, mũ bảo hiểm sẽ được gắn bộ truyền phát tín hiệu cảnh báo bằng âm thanh nếu xảy ra nguy cơ va chạm.
2020 sẽ có xe tích hợp công nghệ V2X
5G Automotive Association dự đoán xe được trang bị công nghệ V2X sẽ xuất xưởng tại Mỹ khoảng năm 2020, và rất có thể sớm xuất hiện tại châu Á và Trung Quốc.
Ford không đề cập tới chi phí nhưng khả năng giá xe có V2X sẽ cộng thêm vài trăm USD. Nhờ sử dụng nền tảng công nghệ hiện tại nên chi phí không quá cao. Cụ thể, V2X dùng modem của Qualcomm, tương tự loại modem di động Qualcomm dùng cho Ford Sync.
Để hệ thống vận hành trơn tru và hiệu quả, cần nhiều xe tham gia mạng lưới, nhưng sẽ phát sinh lo ngại chính phủ do thám người dân.
Tuy nhiên, Tyler Svitak nói rằng hệ thống sẽ được xây dựng trên nguyên tắc ẩn danh. Cơ quan quản lý biết có xe ở đó nhưng không xác định được số VIN, biển số và chủng loại xe.
Ngay cả phần cứng cũng được phát triển theo nguyên tắc ẩn danh. Cứ mỗi năm phút, xe V2X sẽ thay đổi địa chỉ MAC một lần. Do vậy, trên lý thuyết chỉ có thể theo dõi xe tối đa năm phút.
Do đang trong giai đoạn phát triển nên các nhà sản xuất chưa thể khẳng định có cho phép người lái can thiệp vào hệ thống V2X hay không, chẳng hạn bật hoặc tắt chức năng này. Nếu cơ quan điều tra muốn xác định thông tin của xe, họ phải làm việc với nhà cung cấp hệ thống.
Theo Gia Nguyễn (Tri Thức Trực Tuyến)