Vô lăng bị lệch là một hiện tượng khá phổ biến sau khi bạn đã sử dụng xe trong một thời gian dài. Dấu hiệu cho thấy vô lăng bị lệch khi bạn không tác động mà vô lăng vẫn tự động xoay sang một bên. Điều này khiến xe chạy theo đường cong thay vì đường thẳng và nếu muốn chạy thẳng, người lái sẽ phải ghì chặt vô lăng, rất khó chịu.
Phần lớn các vấn đề liên quan đến vô lăng bị lệch là do lỗi trực tiếp của việc căn chỉnh trục bánh trước chưa chính xác. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của sự sai lệch này thường khác nhau tùy theo từng trường hợp.
Một số nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến vô lăng bị lệch
Hao mòn bình thường
Theo thời gian, các chi tiết của hệ thống lái bị cũ đi khiến cho các điểm nối mấu chốt giữa các chi tiết của xe có độ rơ và đến một giới hạn, điều này sẽ khiến liên kết của các chi tiết bị sai lệch so với thông số kỹ thuật ban đầu.
Chính vì lý do này mà hầu hết các nhà sản xuất lốp xe lớn đều khuyến nghị người dùng nên căn chỉnh lại trục bánh trước, ngay sau 4 lần thay lốp.
Mặc dù các bộ phận phía trước sẽ bị mài mòn ở một mức độ nhất định theo thời gian, nhưng tình trạng mài mòn nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng đến tất cả các bộ phận của hệ thống lái cũng như hệ thống treo.
Bộ phận linh kiện bị hỏng
Điều này hiếm khi xảy ra nhưng các chi tiết của hệ thống lái và hệ thống treo của xe đều có thể bị hư hỏng sau một cú va chạm bất ngờ khi vô tình đi qua ổ gà ở tốc độ cao hoặc bị va vào lề khi đang di chuyển trên đường.
Cú va chạm trực tiếp này được truyền khắp phần đầu xe, thường làm hỏng các bộ phận yếu nhất của hệ thống lái hoặc hệ thống treo. Khi một hoặc nhiều bộ phận lái quan trọng của xe bị hư hỏng, dẫn đến làm thay đổi hướng đi thẳng của xe, đồng nghĩa cũng thay đổi hướng vô lăng của xe.
Các sự cố thuộc loại này chỉ được khắc phục bằng cách thay thế tất cả các bộ phận bị ảnh hưởng và căn chỉnh lại góc đặt bánh xe theo đúng tiêu chuẩn của nhà sản xuất.
Do xe bị tai nạn, va chạm
Khi xe của bạn gặp phải va chạm thì điều này có thể khiến cho một số bộ phận hệ thống lái/hệ thống treo quan trọng bị hư hỏng. Nhiều bộ phận trong số này ảnh hưởng trực tiếp đến các giá trị của độ chụm (Toe), góc lệch (Caster) và góc nghiêng (Camber).
Tuy nhiên, không giống như hư hỏng bộ phận cơ bản phát sinh khi va phải ổ gà, hư hỏng do tai nạn thường nghiêm trọng hơn nhiều. Thật không may, những thiệt hại kiểu này không phải lúc nào cũng có thể sửa chữa được, mà có sửa được thì cũng rất tốn kém.
Điều chỉnh độ cao của xe quá quy định
Hệ thống lái và hệ thống treo của xe được nhà sản xuât điều chỉnh để mang lại khả năng xử lý tốt nhất có thể. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng nếu chiều cao của xe không bị thay đổi vì bất kỳ lý do gì.
Nếu bạn đã lắp thêm những thiết bị để tăng thêm khoảng sáng gầm xe, điều này có thể làm ảnh hưởng đến khả năng căn chỉnh của chiếc xe, dẫn đến vô lăng bị lệch khi đi thẳng.
Thế nên, nếu muốn tăng khoảng sáng gầm xe, tốt nhất bạn hãy tìm đến những chuyên gia có trình độ nhằm đảm bảo khả năng căn chỉnh của xe vẫn đúng như các yêu cầu kỹ thuật của nhà sản xuất.
Cách khắc phục vô lăng bị lệch
Thực tế, để khắc phục vô lăng bị lệch, bạn cần phải có hiểu biết về kỹ thuật nhất định, nếu không việc làm của bạn sẽ khiến cho tình trạng xe trở nên nặng hơn. Tốt nhất bạn nên mang xe đến một gara sửa chữa chuyên nghiệp để căn chỉnh lại trục bánh trước đang bị ảnh hưởng dẫn đến vô lăng bị lệch.
Các kỹ thuật viên lành nghề sẽ cẩn thận kiểm tra các bộ phần ở trục bánh trước xem có bị hưng hỏng hoặc mòn quá mức hay không trước và trong quá trình căn chỉnh.
Vô lăng bị lệch và xe bị nhao lái có phải là một?
Nhiều người hay nhầm vô lăng bị lệch và xe bị nhao lái. Đây là 2 hiện tượng khác nhau, trong đó vô lăng bị lệch là vị trí của vô lăng lệch hẳn sang một hướng khiến hướng di chuyển của xe bị lệch theo. Còn xe bị nhao lái là vô lăng xe vẫn hướng xe chạy trên đường thẳng nhưng xe vẫn cứ bị nghiêng hoặc di chuyển lệch sang một bên.
Theo Ngô Minh (VietNamNet)