Theo các nguồn tin thân cận của Reuters, phương án ưu tiên hơn của VinFast là sáp nhập với một Công ty SPAC (công ty mua lại với mục đích đặc biệt) để niêm yết tại Mỹ. Tuy nhiên các cuộc đàm phán với SPAC chưa đạt được nhiều tiến triển về việc đưa ra các đề xuất thỏa thuận, hoặc thời gian cụ thể cho việc niêm yết.
Nguyên nhân đến từ sự không chắc chắn xung quanh các quy định về SPAC tại Mỹ. Theo đó, lộ trình về thương vụ chưa được thiết lập và các kế hoạch của công ty có thể thay đổi.
"VinFast đang làm việc với các bên tư vấn, trong đó có JPMorgan và Deutsche Bank, cho quá trình niêm yết tại Mỹ", bà Lê Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch Vingroup, công ty mẹ của VinFast, nói với Reuters.
Phía JPMorgan và Deutsche Bank từ chối bình luận về thông tin trên.
Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) đã tăng cường giám sát với SPAC, mô hình nổi lên như một hiện tượng trong hơn một năm qua.
Hồi tháng 4, một quan chức của cơ quan này cho biết, SEC đang xem xét hồ sơ và muốn các SPAC thông tin minh bạch hơn, chi tiết hơn liên quan đến phí, mâu thuẫn và bồi thường cho bên tài trợ.
Theo Reuters, JPMorgan được lựa chọn vì đã thực hiện nhiều thương vụ SPAC trong năm ngoái. Deutsche Bank thì có mối quan hệ chặt chẽ với Vingroup, tháng 1 năm ngoái, chính ngân hàng này đã đứng ra thu xếp khoản vay hợp vốn giá trị 525 triệu USD cho VinFast.
Trước đó, Reuters đã đưa tin rằng giá trị VinFast có thể lên đến 60 tỷ USD và chỉ định Credit Suisse dẫn đầu thương vụ này. Đồng thời, đợt IPO của VinFast có thể huy động ít nhất 2 tỷ USD trong một thỏa thuận đã được lên kế hoạch cho quý 2/2021.
Theo Hải Yến (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)
https://doanhnghieptiepthi.vn/vinfast-len-san-my-co-kha-nang-cham-hon-du-kien-161212705150956571.htm