Tháng 9/2017, Vingroup tuyên bố ra mắt thương hiệu ôtô VinFast. Tháng 10/2018, 2 chiếc ôtô VinFast xuất hiện tại triển lãm ôtô Paris Motor Show. Tháng 11/2018, chiếc xe cỡ nhỏ Fadil ra mắt. Đến 15/1/2019, hãng công bố sẽ sản xuất thêm 7 mẫu xe dòng Premium, trải rộng tất cả phân khúc A, B, C, D, mở đầu bằng việc lấy ý kiến khách hàng qua chương trình “Chọn xế yêu cùng VinFast - 3”.
Như vậy, chỉ sau hơn một năm, VinFast đã có kế hoạch sản xuất tổng cộng 10 mẫu xe. James DeLuca - CEO VinFast từng nói với CNBC: “Chúng tôi làm việc trong 24 tháng bằng những doanh nghiệp khác làm trong 60 tháng”. Tuy nhiên, tốc độ phát triển ấn tượng đó cũng làm dấy lên những hoài nghi về việc liệu một thương hiệu mới như VinFast có đi quá nhanh trong hành trình tiếp cận và chinh phục thị trường.
Theo những chuyên gia nhiều kinh nghiệm trên thị trường ôtô thế giới, bài toán đặt ra cho VinFast là phải chiếm lĩnh thị trường bằng lợi thế giá cạnh tranh nhưng cũng phải khéo léo để mức giá đó không tổn hại đến thương hiệu và định vị của VinFast. Và có vẻ như hãng xe Việt đang giải quyết rất tốt bài toán này.
Michael Dunne, người sáng lập hãng tư vấn ZoZo Go (Thượng Hải) nhận định chiến lược của VinFast là ra mắt sản phẩm cao cấp và cận cao cấp để gây tiếng vang, định vị thương hiệu. Tuy nhiên, hãng sẽ sử dụng những dòng xe vừa tiền hơn để chiếm lĩnh thị trường trong nước. “Khởi đầu trên đỉnh để thiết lập sức mạnh của thương hiệu, rồi di chuyển xuống thị trường đại chúng", ông nói. Điều này lý giải việc VinFast rất nhanh chóng phát triển những dòng xe khắp các phân khúc ngay sau khi ra mắt hai dòng xe cao cấp không lâu.
Đứng trên vai những người khổng lồ để đi nhanh và chắc
Bất chấp những ý kiến hoài nghi, tốc độ phát triển của VinFast vẫn khiến giới truyền thông quốc tế ngỡ ngàng. Tờ Autocar của Anh giải thích, nhờ loại bỏ giai đoạn tạo hình đất sét truyền thống, VinFast đã cắt giảm thời gian sản xuất từ những bản phác thảo trở thành sản phẩm hoàn chỉnh chỉ trong 11 tháng.
Ông Nguyễn Thanh Hải, chuyên gia uy tín về ôtô cho biết những hãng xe nổi tiếng của Nhật phải mất đến 10 năm để gây dựng thương hiệu từ bàn tay trắng. Thế nhưng, VinFast chỉ mất hơn một năm để làm mọi việc từ xây dựng nhà máy 335 ha, cơ sở vật chất đồng bộ, liên kết các đối tác, chiêu mộ nhân sự, thiết lập hệ thống phân phối và chính thức ra mắt thị trường những mẫu xe thương hiệu Việt.
“VinFast đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi hợp tác với các đối tác hàng đầu thế giới, sử dụng nguồn lực của những nhà cung cấp tốt nhất trên thị trường. Điều đó cho phép họ đi tắt đón đầu để đẩy nhanh tốc độ, vốn là chiến lược và cũng là phong cách làm việc đặc trưng của Vingroup”, ông Hải nhận định.
VinFast có trong tay bản quyền sở hữu trí tuệ của BMW, tiếp quản toàn bộ hoạt động của GM tại Việt Nam bao gồm nhà máy, nhân sự và cả hệ thống đại lý, bắt tay với Bosch, Siemens, Pininfarina, Ital Design, Torino Design, Zagato, Magna Steyr, AVL, Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam… Chiến lược hợp lý này là nền tảng quan trọng giúp cho VinFast có thể phát triển nhanh nhưng rất bền vững.
Mục tiêu tại thị trường Việt Nam
Sau khi chính thức ra mắt thị trường 3 dòng xe gồm Lux A2.0, Lux SA2.0 và Fadil vào tháng 11/2018, VinFast tiếp tục gây ấn tượng khi công bố sẽ sản xuất 7 mẫu xe dòng Premium trải rộng tất cả phân khúc A, B, C và D. Đặc biệt, Chủ tịch VinFast Lê Thị Thu Thủy còn tiết lộ, giá bán của 7 mẫu xe này sẽ thấp hơn các đối thủ cùng phân khúc 20-30%. Cách định giá này đã thể hiện tham vọng cạnh tranh trực diện, không e dè với các đối thủ kỳ cựu trên thị trường của VinFast.
Đối với một thương hiệu ôtô mới toanh, đặt mục tiêu như vậy liệu có quá mạo hiểm? Ông Nguyễn Thanh Hải cho rằng đây là những bước đi chiến lược, đầy khôn ngoan của hãng xe Việt. Bởi theo ông, ở từng phân khúc cụ thể, VinFast đều có những mẫu xe đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng. Việc trải rộng phân khúc cũng mở đường cho VinFast nhanh chóng đi vào đời sống người Việt - khách hàng chính của hãng.
VinFast mang đến những chiếc xe cỡ nhỏ, tập trung vào công năng đi lại, giải tỏa “cơn khát” ôtô giá rẻ của thị trường. Bên cạnh đó, tệp khách hàng của những dự án bất động sản cao cấp của Vingroup lại rất tương đồng với khách hàng mục tiêu dòng xe cao cấp VinFast. Như vậy, “VinFast vừa đáp ứng nhu cầu rất lớn dòng xe phổ thông vừa có thể nhận được sự ủng hộ của giới mê xe, sẵn sàng ủng hộ thương hiệu Việt”, ông Hải nhận định.
Tuy nhiên, thương hiệu ôtô mới như VinFast cũng sẽ gặp một số rào cản ở giai đoạn đầu. Theo TS Trần Hữu Nhân, Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật ôtô - Máy động lực, Đại học Bách khoa TP.HCM, rào cản để một thương hiệu ôtô “made in Vietnam” thành công trên sân nhà chính là tư duy của người dùng. VinFast cần cho người dùng lý do để bỏ tiền mua một chiếc ôtô Việt thay vì một chiếc xe nhập khẩu có tên tuổi. Việc xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái Vingroup với các dịch vụ hỗ trợ tốt có thể là một đáp án cho vấn đề này.
Hiện tại, dân số Việt Nam phát triển rất nhanh với 93 triệu người nhưng thị trường xe hơi vẫn còn tương đối nhỏ, khoảng 300.000 xe mỗi năm. Vì thế, con đường phát triển mà VinFast cần hướng đến đầu tiên là giành một phần thị trường từ các đối thủ cạnh tranh. Đồng thời, “hãng này cần xem xét khả năng xuất khẩu, đặc biệt là ở Đông Nam Á”, Michael Dunne - chuyên gia từ Zozo Go nhận định.
Việc chiếm lĩnh thị trường trong nước dường như đã được VinFast tính toán khá kỹ, thể hiện ở chiến lược phát triển và định giá sản phẩm. Trong khi đó, với việc xây dựng nhà máy có công suất tối đa lên tới 500.000 xe/năm cùng lộ trình phát triển rõ ràng, hãng xe Việt cũng không giấu diếm tham vọng xuất khẩu, mang “niềm tự hào Việt Nam” tiến ra thế giới. Tất cả bây giờ chỉ còn chờ thời gian để VinFast đưa ra câu trả lời chính thức.
Theo Giang Phan Ninh (Tri Thức Trực Tuyến)