Vì sao xe Kia Forte về N, phanh tay vẫn lao đi đâm 17 xe máy ở Hà Nội?

09/04/2023 20:00:00

Clip: Kinh hoàng khoảnh khắc ô tô 'điên' lao thẳng vào dòng phương tiện tại ngã tư Xuân La - Võ Chí Công

Tài xế trong vụ tai nạn ô tô Kia Forte đâm 17 xe máy tại ngã tư Võ Chí Công - Xuân La (Hà Nội) khai đã kéo phanh tay, về số N nhưng vẫn không có tác dụng. Điều này đã làm dấy lên những tranh luận về tình huống này.

Cùng với các chi tiết như dép lê và tuổi tác của tài xế Hoàng Ngọc Vĩnh (63 tuổi) trong vụ tai nạn ô tô lái Kia Forte đâm 17 xe máy (xảy ra ngày 5/4), lời khai của vị tài xế này về hành động kéo phanh tay, về số N nhưng vẫn không thể dừng xe lại được cũng đã khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu về "sự cố" này.

Video lời khai tài xế:

Trao đổi với PV VietNamNet, anh Thành Tâm - chủ gara sửa chửa ô tô Thành Tâm cho biết, phanh tay chỉ được sử dụng khi dừng khẩn cấp hoặc khi xe ở trạng thái đứng yên, đặc biệt là trường hợp xe đỗ ở khu vực mặt bằng có độ dốc. Phanh tay ô tô còn có tác dụng hỗ trợ phanh chân trong trường hợp chúng không hoạt động hoặc chủ xe cần sự trợ giúp thêm để dừng xe. 

Vì sao xe Kia Forte về N, phanh tay vẫn lao đi đâm 17 xe máy ở Hà Nội?
Hiện trường vụ chiếc xe KIA Forte mất kiểm soát gây ra tai nạn liên hoàn tại nút giao Võ Chí Công - Xuân La.

Cơ chế hoạt động của phanh tay chủ yếu tập trung ở phía sau, nghĩa là sẽ chỉ có lực phanh tới các bánh sau. Ngoài ra, lực kéo phanh tay được truyền thông qua dây cáp nên khả năng tạo ra lực hãm sẽ không thể hiệu quả như cách dùng phanh chân. Do đó, phanh tay thường được dùng khi xe đã dừng đỗ, hỗ trợ cho xe không bị trôi. Phanh tay gần như không có tác dụng dừng xe khi xe trong trạng thái đang đạp ga, tăng tốc.

Phân tích về tình huống kéo phanh tay mà chiếc xe KIA Forte (nếu như lời khai của tài xế Hoàng Ngọc Vĩnh là đúng- PV) vẫn lao nhanh, anh Lê Xuân Hùng - quản đốc xưởng dịch vụ đại lý KIA chia sẻ: "Hệ thống phanh tay trên các dòng xe đời cũ như KIA Forte dù có phanh đĩa cả 4 bánh nhưng 2 bánh sau vẫn có thêm bộ phận phanh tang trống để đảm nhiệm hãm phanh bằng tay. Tuy nhiên, hiệu quả phanh tang trống rõ ràng không thể hiệu quả như phanh đĩa."

Vì sao xe Kia Forte về N, phanh tay vẫn lao đi đâm 17 xe máy ở Hà Nội? - 1
Lực hãm của phanh tay chỉ tập trung vào bánh sau nên sẽ không thể hiệu quả như phanh chân.

"Lực hãm phanh tay đã không thể tốt như phanh chân. Tài xế lại lớn tuổi nên khó thể kéo phanh tay với một lực đủ lớn để sử dụng lực phanh hiệu quả nhất. Nếu trong trường hợp chiếc xe KIA Forte không được bảo dưỡng bộ phận phanh đúng quy định, khiến má phanh hoặc tang trống của cơ cấu phanh mòn nhiều thì cho dù người tài xế có kéo phanh tay, phanh cũng sẽ không ăn, kết quả xe vẫn không giảm được tốc độ", anh Hùng nói thêm.

Nhận định về tình huống về số N, anh Nguyễn Văn Lợi - một tài xế lái xe Grab cho hay: "Với những xe số tự động, xe đang lao nhanh mà chuyển sang số N là hành động cực kỳ nguy hiểm bởi lúc này xe sẽ mất đi lực hãm của động cơ, khiến người lái phải mất nhiều lực phanh hơn để hãm xe. Chưa kể trong lúc luống cuống, chân ga vẫn đang ấn mạnh, rồi lại về số D thì xe sẽ càng lao về phía trước một cách nhanh hơn".

Vì sao xe Kia Forte về N, phanh tay vẫn lao đi đâm 17 xe máy ở Hà Nội? - 2
Số N chỉ sử dụng khi dừng đỗ tạm thời chờ đèn tín hiệu giao thông trong thời gian dài.

Với kinh nghiệm lái xe hơn 20 năm qua, anh Lợi chưa nghe nói đến cách hãm xe bằng cách về số N, anh chủ yếu chỉ sử dụng số N khi xe phải dừng đỗ tại các điểm dừng chờ đèn tín hiệu giao thông trong thời gian dài.

Còn theo anh Đoàn Anh Dũng, chuyên viên bán xe tại Hà Nội, cũng từng sở hữu chiếc KIA Forte đời 2007 đánh giá hệ thống an toàn trên mẫu xe này tương đối cơ bản, có đủ 4 phanh đĩa nhưng chỉ phanh ABS, chưa có cân bằng điện tử ESP cũng như các tính năng an toàn hỗ trợ giảm thiểu va chạm như các mẫu xe hiện nay.

Dựa trên những phân tích và lý giải từ các chuyên gia kỹ thuật và người dùng xe lâu năm, có thể hiểu "nghịch lý" kéo phanh tay, về số N mà xe vẫn lao đi như lời khai của vị tài xế gây tai nạn là có cơ sở.

Hiện nay, để hạn chế và phòng ngừa các tai nạn liên quan đến sự thiếu tập trung của người lái hoặc đạp nhầm chân phanh, các hãng xe đã bổ sung cho những mẫu xe mới ra mắt hàng loạt trang bị an toàn thông minh như phanh khẩn cấp tự động có thể tự động phanh ngay cả khi người điều khiển không đạp phanh, cảnh báo mệt mỏi, kiểm soát hành trình thích ứng...

Ngoài ra, hệ thống chống tăng tốc ngoài ý muốn cũng là một trong những tính năng an toàn đáng chú ý. Tại Việt Nam, hiện trang bị này mới chỉ có mặt trên một số dòng xe của Mitsubishi bởi nó được hãng xe Nhật Bản nghiên cứu và thiết kế riêng nhằm hạn chế các tai nạn do đạp nhầm chân ga. Tiếc là tính năng này lại không được nhiều hãng xe trang bị. 

Theo Ngô Minh (VietNamNet)