Sau các bài viết: “Bỏ giấy đăng kiểm ô tô: Bớt phiền toái, tăng minh bạch” và “Bỏ giấy đăng kiểm, giãn thời gian kiểm định, tiết kiệm cả ngàn tỷ” được đăng tải, rất nhiều chuyên gia và độc giả đã gửi ý kiến của mình về VietNamNet, nêu lên những đề xuất và giải pháp nhằm thay đổi toàn diện việc đăng kiểm cho sát thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Nhiều độc giả băn khoăn và cho rằng, việc một chiếc ô tô mới 100% khi được xuất xưởng thì các hãng xe đã phải đảm bảo đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn về chất lượng trước khi lăn bánh. Thế nhưng, những chiếc xe này vẫn bắt buộc phải mang đi kiểm định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường mới được ra đường.
Ví dụ như một chiếc ô tô mới dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải sẽ phải đăng kiểm với kỳ tiếp theo là 30 tháng; ô tô dưới 9 chỗ có kinh doanh vận tải (như xe taxi, xe công nghệ,...) và xe trên 9 chỗ là 18 tháng,... Chi phí đăng kiểm đối với ô tô dưới 9 chỗ là 340 nghìn đồng; ô tô khách từ 330-400 nghìn; ô tô tải từ 330-610 nghìn đồng;...
Độc giả Xuân Tình cho rằng: "Xe mới vẫn phải đi đăng kiểm như hiện nay thì với khoảng 300-400 nghìn xe mới được bán ra mỗi năm, chúng ta tốn kém cả trăm tỷ đồng, chưa kể mất thời gian, công sức của hàng trăm nghìn người".
Đồng tình với ý kiến trên, độc giả Minh Tùng đặt câu hỏi: "Xe mới xuất xưởng hoặc mới nhập khẩu về, các hãng phải chịu trách nhiệm về chất lượng, thế nhưng chủ xe vẫn phải mất tiền đi đăng kiểm mà không hiểu kiểm tra để làm gì nữa? Điều này có ‘thừa’ và gây lãng phí thời gian, tiền bạc của người dân và doanh nghiệp không?".
Trao đổi với VietNamNet về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Hải - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-03S (đường Lê Quang Đạo, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, việc kiểm định lần đầu đối với các phương tiện mới bắt đầu đưa vào sử dụng có 2 mục đích.
Thứ nhất, đây là thủ tục cần thiết để lập hồ sơ phương tiện (giống như giấy khai sinh của phương tiện). Việc này nhằm quản lý, theo dõi kỹ thuật phương tiện trong suốt quá trình sử dụng.
Thứ hai, đó là kiểm soát kỹ thuật đối với các phương tiện lỗi (nếu có).
“Không một nhà sản xuất nào dám khẳng định 100% sản phẩm họ sản xuất ra không có lỗi, vì vậy việc kiểm định kỹ thuật ban đầu nhằm sàng lọc các phương tiện có lỗi kỹ thuật trong quá trình sản xuất lắp ráp trước khi đưa ra sử dụng", ông Hải phân tích.
Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-03S cũng cho biết, trong quá trình đăng kiểm trên thực tế chưa phát hiện ra trường hợp phương tiện mới nào có lỗi. Thế nhưng, đây là công việc cần thiết bởi không ai dám khẳng định trong tương lai không có.
Về chu kỳ đăng kiểm cho xe mới, ông Nguyễn Minh Hải cho rằng, thời gian giữa các kỳ kiểm định đối các phương tiện mới đưa vào sử dụng như hiện nay là phù hợp.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2021, các trung tâm đăng kiểm trên cả nước đã tiếp nhận khoảng 1,8 triệu lượt ô tô đăng kiểm định kỳ. Trong đó, có hơn 171.000 xe (chiếm khoảng 9,4%) không đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, buộc phải sửa chữa, điều chỉnh và trước khi đăng kiểm lại.
Theo Hoàng Hiệp (VietNamNet)