Mitsubishi Outlander tiếp tục là mẫu xe có doanh số kém nhất phân khúc SUV hạng C trong tháng 9/2024 tại Việt Nam với 198 chiếc được bán ra. Con số này chưa bằng 1/2 so với xe xếp ngay trên là KIA Sportage với 407 xe.
Tính cộng dồn từ đầu năm 2024 tới nay, Mitsubishi Outlander mới bán tổng cộng 1037 xe, thậm chí còn chưa bằng doanh số của Mazda CX-5 trong tháng 9/2024 vừa rồi. CX-5 đã có một tháng đắt hàng với 1856 xe được giao tới tay người tiêu dùng.
Trở lại lại với Mitsubishi Outlander, điều gì khiến mẫu xe này lại "kén khách" tới vậy?
Giá bán khó cạnh tranh dù nhiều khuyến mãi
Mitsubishi Outlander được phân phối tại Việt Nam với 2 phiên bản cùng mức giá dao động từ 825 - 950 triệu đồng. Và mặc dù liên tục được khuyến mãi, giảm giá và tặng quà nhưng rõ ràng là so với mức giá khởi điểm từ 749 triệu đồng của Mazda CX-5, hoặc Hyundai Tucson (khởi điểm từ 769 triệu đồng), thì giá của Outlander vẫn cao hơn.
Nội thất thiếu hiện đại
Khi nhìn sang các đối thủ cùng phân khúc, chắc hẳn người dùng Mitsubishi Outlander sẽ cảm thấy có chút hụt hẫng bởi không gian nội thất xe kém hiện đại. Vật liệu chủ yếu của Mitsubishi Outlander là nhựa cứng, màn hình chìm trong táp-lô kiểu cổ điển. Trong khi Ford Territory có màn hình TFT 12,3 inch, hay Honda CR-V sở hữu màn hình cảm ứng TFT 10,2 inch... trông hiện đại và thời thượng hơn hẳn.
Ngoài ra, các trang bị trên Outlander cũng kém hơn như không có kết nối không dây với màn hình giải trí, không có sạc không dây, ghế lái ở bản tiêu chuẩn vẫn là chỉnh cơ thay vì chỉnh điện,... Hàng ghế thứ 3 của Outlander cũng được đánh giá là khá chật cho người trưởng thành.
Các trang bị an toàn ở bản Tiêu chuẩn kém so với xe cùng phân khúc
Phiên bản tiêu chuẩn của Mitsubishi Outlander là dòng được nhiều người hướng tới bởi mức giá hợp lý tuy nhiên nếu so sánh với các đối thủ trong phân khúc thì phiên bản này có các trang bị khá khiêm tốn. Xe chỉ sử dụng đèn halogen, trong khi đối thủ CX-5 ở mức giá thấp hơn đã có đèn LED. So với đèn LED, đèn halogen sẽ có tuổi thọ kém hơn, do đó sẽ mất chi phí thay thế sau vài năm sử dụng.
Ngoài ra, phiên bản tiêu chuẩn của Outlander cũng chỉ có 2 túi khí thay vì 7 túi khí ở bản Premium. Tuy nhiên, Mazda CX-5 sở hữu 6 túi khí ở tất cả phiên bản, còn Honda CR-V có tới 8 túi khí ở tất cả các phiên bản.
Đương nhiên, với kiểu dáng thể thao, form cứng cáp mạnh mẽ cùng với động cơ được đánh giá cao về sức mạnh và bền bỉ, tiết kiệm nhiên liệu, điều hòa tốt... vẫn là những ưu điểm vượt trội của Mitsubishi Outlander. Tuy nhiên, để cạnh tranh với các đối thủ thì chắc chắn Outlander cần nhiều hơn như thế, và cần một phiên bản "lột xác" toàn diện hơn.
Theo Bảo Nam (Nguoiduatin.vn)