Theo các thợ sửa chữa chuyên nghiệp, khi xe ôtô chết máy vì ngập nước, tài xế không nên tự xử lý mà cần gọi cứu hộ. Bởi khi đó, nước đã vào động cơ và đi theo đường hút lọc gió. Nếu chủ xe tự tháo lọc gió có thể khiến bị ướt, đẩy nước vào trong cổ hút và lọt vào trong buồng đốt động cơ.
Khi chủ quan đề máy lên hoặc cố đi tiếp thì piston sẽ tiếp tục hoạt động và bị lực tác động lớn ngược lại do nước không nén được. Quá trình này làm cong hoặc gãy tay biên gây trầy xước piston, xy-lanh ở một hoặc một vài buồng đốt thậm chí có thể làm vỡ lốc máy. Động cơ bị hư hỏng do nước sục vào gọi là thủy kích. Cố tự xử lý như thế thì rủi ro lớn và chi phí sửa chữa cao.
Khi động cơ xe khi bị thủy kích cần phải được kỹ thuật tháo ra để kiểm tra mức độ hư hỏng và thay thế chi tiết. Phụ thuộc vào mức độ hư hỏng có thể sẽ phải thay tay biên, xéc măng hoặc piston cùng một số chi tiết khác như gioăng quy lát, phớt đuôi trục cơ, các loại dầu hoặc nặng hơn là thủng lốc máy, cong trục khuỷu…
Sau khi đi qua vùng ngập nước sâu ngang nửa bánh xe thì bác tài về nhà không nên kéo phanh tay. Bởi khi đó giữa bề mặt ướt với má phanh và đĩa phanh sẽ tạo ra một lớp keo. Kéo phanh lên thì má phanh có thể không nhả ra, dẫn đến bó phanh và khó di chuyển.
Về chi phí, với các dòng xe phổ thông trong những trường hợp đơn giản như chỉ cần thay lọc gió, tháo cổ hút, vệ sinh và thay máy lọc dầu thì chỉ tốn từ 2 - 3 triệu đồng. Còn khi nước đã vào động cơ khiến cong, gãy tay biên hoặc nguy hiểm hơn là làm thủng lốc máy thì chi phí có thể lên đến trên 20 triệu đồng.
Theo Đức Mạnh (Lao Động)