Theo kế hoạch, BYD sẽ cho ra mắt một mẫu xe nữa tại Việt Nam trong thời gian gần.
Cụ thể, BYD sẽ cho ra mắt mẫu xe Tang ngay trong tháng sau. BYD Tang là một mẫu xe gầm cao cỡ D, tương tự Hyundai Santa Fe hay KIA Sorento. BYD Việt Nam chưa cho biết thông tin cụ thể về thông số của Tang được bán tại Việt Nam; tại Trung Quốc, BYD Tang có nhiều phiên bản, từ hybrid tới thuần điện, nhưng khả năng cao phiên bản thuần điện sẽ được lựa chọn.
Theo thông số BYD công bố cho thị trường nội địa, Tang có khả năng hoạt động tương đối tốt; BYD Tang có 2 tùy chọn pin, dung lượng lần lượt là 90,3 kWh và 108,8 kWh. Quãng đường di chuyển tối đa mỗi lần sạc thay đổi với từng phiên bản; phiên bản thấp nhất đi được 600km, phiên bản giữa đi được 730km, bản cao cấp nhất đi được 635km.
BYD Tang được bán tại Trung Quốc với 3 cấu hình động cơ; trong đó, bản thấp nhất có công suất 225 mã lực và mô men xoắn 350 Nm, dẫn động cầu trước. Phiên bản cao cấp hơn cũng dẫn động cầu trước nhưng có công suất 241 mã lực và mô men xoắn 350 Nm. Hai phiên bản này có giá quy đổi lần lượt 874 triệu đồng và 944 triệu đồng.
Với phiên bản cao cấp nhất, BYD Tang trang bị mô tơ ở cả cầu trước lẫn cầu sau, tạo cấu hình truyền động 4 bánh; phiên bản này có tổng công suất 510 mã lực và mô men xoắn 700 Nm. Phiên bản này có giá 1,048 tỷ đồng.
Trên thực tế, thế hệ mới nhất của BYD Tang được giới thiệu vào ngày 31/8/2023. Tang là một trong những mẫu xe thuộc dòng Dynasty Series - là dòng xe lấy cảm hứng và được đặt tên theo các triều đại của Trung Quốc. Dòng xe này đang có 6 mẫu xe, lần lượt là Xia, Qin, Han, Tang, Song, và Yuan, tương ứng với tên của triều đại Hạ, Tần, Hán, Đường, Tống, và Nguyên.
Tại Việt Nam, sau khi thông tin BYD sẽ phân phối mẫu xe Tang tại Việt Nam, nhiều ý kiến về tên của xe đã xuất hiện trên mạng xã hội. Tang là tên phiên âm triều đại Đường, nhưng tiếng Việt cũng có từ Tang với nhiều nghĩa. Hiện tượng đồng âm dị nghĩa này đã là chủ đề của nhiều cuộc bàn luận trên mạng xã hội.
Tổng Giám đốc BYD Việt Nam, ông Võ Minh Lực, phản hồi trên mạng xã hội rằng BYD có thể đổi tên khi bán mẫu xe này tại Việt Nam. Tuy nhiên, mẫu xe này khi bán chính thức vẫn sẽ giữ nguyên tên gọi vì các vấn đề về pháp lý, cũng như tính đồng nhất với các thị trường quốc tế.
Trên thế giới, nhiều mẫu xe có tên gọi khác nhau tùy theo thị trường. Việc có nhiều tên gọi khác nhau cho cùng một sản phẩm có thể phục vụ nhiều mục đích, từ tận dụng danh tiếng sẵn có của một sản phẩm khác trong quá khứ, tới việc tránh nhạy cảm.
Ví dụ có thể kể tới như Mitsubishi với mẫu Pajero có tên khác là Montero ở Mỹ hay Tây Ban Nha, bởi Pajero trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là "kẻ ngốc". Tại Việt Nam, mẫu xe tay ga Honda SCR cũng từng mang tiếng xấu do có nhiều người dịch tên thành... "sắp chết rồi".
BYD là nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất Trung Quốc. Trên thực tế, BYD đã từng vượt qua Tesla về doanh số trong quý cuối của năm 2023 để lần đầu tiên trở thành hãng xe điện lớn nhất thế giới.
BYD nói riêng và nhiều nhà sản xuất ô tô Trung Quốc nói chung đang tập trung xuất khẩu xe đến các thị trường nước ngoài. Nguyên nhân được cho là sức sản xuất của các hãng đã vượt nhu cầu mua của thị trường trong nước.
Theo Quang Hiếu (Nhịp Sống Thị Trường)