Mới đây, Toyota đã thừa nhận thêm một đợt sai phạm trong việc thử nghiệm an toàn, liên quan đến bảy mẫu xe khác.
Điều này làm tăng thêm bóng đen bao phủ hãng sản xuất ô tô Toyota nói riêng và toàn bộ ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản nói chung, bao gồm cả Honda, Mazda và Suzuki.
Cụ thể, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) vừa phát hiện, Toyota đã phớt lờ bài kiểm tra thử nghiệm để đánh giá độ an toàn của xe đối với hành khách như thử nghiệm va chạm, hệ thống định vị và màn hình hiển thị trong xe trên các mẫu minivan Toyota Noah, Voxy và Suzuki Landy (2021).
Ngoài ra, nhiều bộ phận phụ tùng, thiết bị được sử dụng trong các bài kiểm tra an toàn cho Toyota Harrier (giá đỡ phía trong cửa trước) và Lexus LM (lớp lót cửa sau) vốn không phải là loại sản xuất thương mại, chỉ dùng cho mục đích thử nghiệm hoặc nghiên cứu.
Những sai phạm khác xuất hiện trong quy trình phê duyệt kiểu dáng với các mẫu xe bao gồm Toyota Camry, Daihatsu Altis (2017), Toyota RAV4 (2017), Lexus RX (2015) và Toyota Prius, Daihatsu Mebius (2014).
Vì nhiều mẫu xe nằm trong diện gian lận thử nghiệm an toàn đã được sản xuất cho thị trường quốc tế hoặc đã bị ngừng sản xuất, Toyota khẳng định rằng các chủ xe hiện tại "không cần phải ngừng sử dụng chúng". Tuy nhiên, việc sản xuất và giao hàng của các mẫu minivan Noah và Voxy - đang bán tại thị trường Nhật Bản - đã bị dừng từ ngày 29/7.
Toyota đặt mục tiêu sẽ tiếp tục sản xuất sớm nhất có thể sau khi các cơ quan chức năng xác nhận họ đã tuân thủ các tiêu chuẩn.
Liên quan đến đợt tạm ngừng sản xuất trước đó (3/6), Toyota đã thông báo rằng các mẫu Toyota Corolla Fielder, Corolla Axio và Yaris Cross dành cho thị trường Nhật Bản sẽ được tiếp tục sản xuất vào đầu tháng 9, chờ xác nhận tuân thủ các tiêu chuẩn của MLIT.
Trang Auto News thông tin thêm rằng việc ngừng sản xuất đã khiến sản lượng toàn cầu của Toyota giảm 13% vào tháng 6 vừa qua và có thể ảnh hưởng đến doanh thu quý II (từ tháng 4-6).
Toyota đã đổ lỗi cho sự kết hợp giữa lỗi phát sinh khi sản xuất và quản lý yếu kém trong vụ bê bối kiểm tra an toàn gần đây. Hãng xe Nhật nói rằng những yếu tố này đã dẫn đến các hành vi gian lận.
Trong thông báo, Toyota đã đưa ra lời xin lỗi: "Chúng tôi rất tiếc rằng chúng tôi không thể thực hiện đúng quy trình chứng nhận an toàn của mình và chúng tôi xin lỗi các bên liên quan vì bất kỳ sự lo ngại hoặc bất tiện nào mà điều này có thể đã gây ra". Hãng này cũng hứa sẽ xem xét lại hoạt động của mình và cải thiện cơ sở hạ tầng với quản lý dữ liệu chính xác hơn để ngăn chặn các vấn đề tương tự xảy ra trong tương lai.
Theo Nguyễn Tiến Dũng (VietNamNet)