Vội vàng nhập làn
Một số tài xế thường vội vàng chuyển sang làn cao tốc khi đi từ đường dẫn. Điều này rất nguy hiểm bởi các phương tiện phía sau đang di chuyển ở tốc độ cao. Trong khi đó, xe nhập làn lại chưa đạt được tốc độ nhanh cần thiết nên khoảng cách an toàn sẽ bị rút ngắn, tăng khả năng va chạm.
Vì vậy, tài xế cần nhớ rằng ở các khu vực từ đường dẫn vào cao tốc, còn một đoạn đường đủ dài để các tài xế vừa di chuyển vừa cẩn thận quan sát các xe phía sau. Lưu ý, hãy cố gắng đạt tốc độ tối thiểu (60 km/h), bật đèn xi nhan bên trái trước khi nhập làn.
Chuyển nhiều làn đường trong cùng một thời điểm
Mặc dù không hoàn toàn vi phạm Luật giao thông đường bộ, việc chuyển nhiều làn đường trong cùng một thời điểm sẽ gây mất an toàn khi di chuyển trên cao tốc. Đáng chú ý, việc đánh lái ở tốc độ cao có thể khiến hành khách trong xe dễ gặp cảnh đau đầu, chóng mặt.
Không đảm bảo khoảng cách an toàn
Theo các tài xế lâu năm, khoảng cách giữa 2 phương tiện trước và sau khi đi trên cao tốc nên đạt mức từ 100m đến 200m. Về mặt kỹ thuật, ô tô dưới 9 chỗ ngồi chạy tốc độ 100 km/h nếu muốn phanh gấp thì cần quãng đường dài hơn 50m mới có thể dừng lại. Đối với các phương tiện lớn hơn thì quãng đường phanh sẽ dài hơn. Do đó, việc giữ khoảng cách an toàn trên cao tốc sẽ có vai trò rất quan trọng để tránh các trường hợp va chạm không đáng có.
Đi tốc độ chậm ở làn bên trái ngoài cùng
Làn đường ngoài cùng bên trái là khu vực để các xe tăng tốc, đạt vận tốc tối đa cho phép để vượt. Tuy nhiên, nhiều tài xế hiện nay vẫn không nắm được văn hóa giao thông trên, thường đi rất chậm ở khu vực này (chỉ đạt vận tốc từ 60 km/h đến 80 km/h). Hành vi đó sẽ gây cảm giác khó chịu cho các tài xế khác.
Đồng thời, việc đi chậm ở làn đường bên trái ngoài cùng cũng sẽ kìm hãm tốc độ của các xe khác do không vượt được, tăng nguy cơ gây ùn tắc trên cao tốc. Trong một số trường hợp, việc này có thể dẫn tới tai nạn đáng tiếc.
Không quan sát biển báo rời đường cao tốc
Hậu quả của việc thiếu tập trung quan sát biển báo rời đường cao tốc sẽ khiến tài xế lãng phí thời gian để di chuyển thêm hàng chục cây số mới có thể quay lại điểm đến mong muốn. Điều này sẽ khiến người lái xe mất thêm tiền phí cầu đường, nhiên liệu.
Nguy hiểm hơn, trong một số trường hợp, khi tài xế phát hiện đã đi quá khoảng vài trăm mét thì liều lĩnh quay đầu xe, hoặc đi lùi ở làn đường khẩn cấp. Hành động sai trái này chắn chắn sẽ bị theo quy định của Luật Giao thông Đường bộ. Thậm chí, nếu xảy ra tai nạn, mức phạt sẽ tăng đáng kể, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chuyển làn nhưng không bật đèn báo rẽ
Việc không bật xi nhan khi chuyển làn trên cao tốc cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt là trong tình huống xuất hiện ô tô phía sau đang có xu hướng vượt lên. Lỗi này thường xuất hiện ở những tài xế đang thiếu tập trung. Nếu cộng hưởng thêm hành vi không quan sát gương chiếu hậu, nguy cơ xảy ra tai nạn sẽ tăng rất cao.
Dừng xe trên làn khẩn cấp
Theo quan điểm của một số tài xế, làn đường khẩn cấp trong cùng có thể thoải mái dừng lại để nghỉ ngơi, hút thuốc, gọi điện thoại, ăn uống. Tuy nhiên, hành vi này lại gây mất an toàn cho các phương tiện đang di chuyển trên cao tốc. Lưu ý, làn khẩn cấp trong cùng chỉ dành cho các xe bị hỏng hóc, còn nếu muốn thực hiện việc cá nhân thì chúng ta cần di chuyển tới những trạm được bố trí trên các tuyến cao tốc.
Theo Trần Đình (Tiền Phong)