Thị trường xe sang Việt nửa đầu 2018 - cuộc đua không cân sức

27/07/2018 08:30:23

Nghị định 116 khiến các hãng nhập khẩu gặp khó, riêng Mercedes giữ ổn định vì chủ yếu lắp ráp.

Nửa năm hỗn loạn của thị trường ôtô Việt Nam không chỉ xảy ra ở mảng xe phổ thông mà còn ở phân khúc xe sang. Các chính sách của chính phủ nhằm hạn chế xe nhập khẩu khiến "Kẻ cười, người khóc".

Doanh số chênh lệch giữa xe sang lắp ráp và nhập khẩu

Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), trong nửa đầu 2018 tại Việt Nam, Mercedes cho biết đã tiêu thụ 2.942 xe, tăng 6% so với cùng kỳ 2017. Con số này khiến hãng xe Đức tự tin chia sẻ chiếm 75% thị phần xe sang, tăng so với năm trước vốn ở ngưỡng 70% (không tính các đơn vị không chính hãng).

Trái ngược với Mercedes, hãng xe sang khác trong VAMA là Lexus lại có con số khiếm tốn, vỏn vẹn 84 chiếc. Trường Hải không công bố số liệu bán BMW và Mini. Nguồn tin của VnExpress cho biết tổng số xe của hai thương hiệu này khoảng hơn 350 chiếc. 

Thị trường xe sang Việt nửa đầu 2018 - cuộc đua không cân sức
Doanh số của Lexus giảm mạnh nửa đầu 2018 so với cùng kỳ 2017. Nguồn: VAMA

Các hãng thuần nhập khẩu, thị phần nhỏ hơn như Porsche chỉ tính hàng chục, Jaguar - Land Rover tăng đến 250% so với nửa đầu 2017 nhưng cũng không quá 200 xe. Hãng xe Thụy Điển Volvo cho biết có mức tăng trưởng tốt nhờ XC60, tuy vậy số bán cũng hạn chế như các hãng khác vì không có nguồn hàng. Riêng Audi kín tiếng nhất nhưng cũng không về được xe, tương tự các hãng nhập châu Âu khác, hãng này bán nốt cho khách số xe đã về thời gian trước đó. 

Sự chênh lệch về lượng xe bán ra giữa Mercedes và các hãng còn lại phản ánh rõ ràng nhất sự ảnh hưởng của Nghị định 116. Mercedes có 4 dòng xe lắp ráp là C-class, E-class, S-class và GLC, đều là dòng xe chủ lực mang về doanh số cao cho hãng xe Đức (riêng C-class và GLC chiếm 60% tổng số xe bán ra của Mercedes nửa đầu 2018). Ngược lại, các hãng xe nhập khẩu đều rơi vào hoàn cảnh không có hàng để bán dù khách đặt cọc từ lâu. 

Lợi thế lắp ráp trong nước giúp nguồn cung xe Mercedes ổn định, đại lý nhiều phân bổ ba miền. Riêng mẫu GLC chiếm 90% thị phần phân khúc nhờ thiết kế bóng bẩy, hợp với người trẻ kèm khoảng giá 1,684-2,149 tỷ đồng dễ tiếp cận. Đối thủ chính BMW X3 chỉ với một phiên bản giá 2 tỷ đồng. 

Thị trường xe sang Việt nửa đầu 2018 - cuộc đua không cân sức - 1
Doanh số Mercedes đang cao nhất ở mảng xe sang.

Ở phân khúc tiệm cận hạng sang, Volkswagen Việt Nam cho biết 500 xe bán ra trong nửa đầu 2018, tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ 2017. Giấy VTA là vướng mắc chung đối với các hãng có xe nhập khẩu và VW cũng vậy, trong nửa đầu 2018 hãng có nhập xe từ Mexico nhưng số lượng hạn chế. Lượng xe bán phần nhiều đến từ xe nhập trong 2017.

Khó khăn của các hãng nhập khẩu

Có doanh số tốt ở mảng lắp ráp nhưng Mercedes cũng gặp khó ở nhập khẩu. Chiếc S-class mới định ra mắt cuối 2017 phải hoãn tới giữa 2018 để chờ cùng lúc giới thiệu Maybach S-class, chiếc xe nhập từ Đức. Những khó khăn đến từ thủ tục giấy tờ Chứng nhận chất lượng kiểu loại (VTA) và thời gian kéo dài để kiểm định theo lô.

Không có xe lắp ráp, Lexus còn "thảm" hơn khi trải qua nửa đầu 2018 không thể nhập hàng. Hãng xe sang có tháng không bán nổi chiếc nào và nhiều nhất là tháng 1 với 80 xe. Trong một buổi gặp mặt với báo giới mới đây, khi được hỏi về xe Lexus trong bối cảnh các sản phẩm xe phổ thông của Toyota xuất hiện lượng lớn tại cảng ở TP HCM và Hải Phòng, đại diện hãng nói ngắn gọn: "Xe Lexus vẫn chưa thể về nước. Chưa có thời điểm cụ thể xuất hiện trở lại".

Bên cạnh nguyên nhân khách quan là thiếu xe, Lexus còn gặp khó trước các đối thủ khi dải sản phẩm ít đa dạng hơn, hệ thống đại lý chính hãng chỉ một ở TP HCM và một ở Hà Nội. Trong khi các đối thủ như Mercedes có 9, Audi có 3, BMW hiện có 2 nhưng Trường Hải đặt mục tiêu mở 15 đại lý sau một năm tiếp quản quyền phân phối từ Euro Auto hồi đầu 2018.

Điểm tựa về độ tin cậy và khả năng thanh khoản cao trên thị trường của hãng mẹ Toyota dường như chưa giúp nhiều Lexus ở mảng xe sang, phân khúc với thị hiếu và cách mua hàng khác biệt. Trên bình diện quốc tế, hãng xe sang thuộc Toyota cũng cho thấy điều tương tự khi doanh số đang ở thế bám đuổi bộ ba Đức. Thậm chí ở thị trường quê nhà Nhật Bản, Lexus hiện xếp thứ ba sau Mercedes và BMW về doanh số trong 2017, theo số liệu của Best-selling-cars.

Thị trường xe sang Việt nửa đầu 2018 - cuộc đua không cân sức - 2
Xe BMW trong buổi ra mắt hợp tác cùng Trường Hải đầu 2018 tại TP HCM.

Trong nhiều năm qua, dù chưa thể là đối trọng của Mercedes trên thị trường nhưng BMW, đặc biệt dưới thời Euro Auto phân phối, vẫn chiếm khách không ít từ đối thủ đồng hương, doanh số đỉnh điểm khoảng 2015 lên tới gần 2.000 xe. 

Từ 2007, Euro Auto đã thay đổi hình ảnh của BMW với lượng bán tương đối cao so với thời còn sản xuất ở Xí nghiệp sản xuất ôtô Hòa Bình (VMC) từ 1994. Tuy nhiên, liên quan đến vụ án buôn lậu xe BMW hồi tháng 4/2017 khiến  số phận xe BMW tại Việt Nam sau khi về tay Trường Hải đang phải "làm lại từ đầu". Sau lô hàng hồi cuối 2017 với khoảng 300 chiếc, xe thương hiệu xứ Bavaria vẫn chưa về Việt Nam thêm lô hàng nào tính đến nay. 

"Xe sang là một cuộc chơi hoàn toàn khác xe bình dân. Trường Hải có nhiều lợi thế nhưng ngay lập tức mở hàng chục đại lý, đẩy doanh số từ 300 xe lên vài nghìn xe thì rất khó", sếp một hãng xe Đức tại Việt Nam nói. "Kế hoạch bán hàng, nhập xe đều phải tính toán lâu dài, không thể áp dụng cách thức kinh doanh từ xe phổ thông sang xe cao cấp".

Thị trường xe sang Việt nửa đầu 2018 - cuộc đua không cân sức - 3
Showroom Jaguar tại Sài Gòn.

Không đặt nặng chạy đua doanh số trên các thị trường quốc tế cũng như ở Việt Nam nhưng các hãng còn lại ảnh hưởng lớn trong việc chăm sóc nhóm khách hàng đặc thù. Một người mê Porsche Cayenne đặt hàng từ tháng 11/2017, đến nay mới bắt đầu có hãng. Người phụ trách đăng kiểm của Porsche AG tại Đức phải bay sang Việt Nam để trực tiếp tìm hiểu và nắm tình hình, tìm cách giúp đỡ đại lý lo thủ tục giấy tờ. 

Đến nay, các hãng nhập xe châu Âu đã rục rịch nhập khẩu và thông quan xe trở lại, nhưng Lexus cho biết vẫn chưa có dấu hiệu khả quan. Thực tế hãng này đã về 25 xe để thử nghiệm nhưng là bản châu Âu với tiêu chuẩn Euro 6, khó để chạy ở Việt Nam vì xăng không đạt chất lượng, hãng lo ngại sớm ảnh hưởng động cơ. Dù được dự báo nửa năm còn lại tình hình sẽ dần "ấm" lên, lượng xe về nước nhiều hay ít vẫn là câu hỏi của khách hàng và cả hãng xe cùng đại lý.

Theo Thành Nhạn - Đức Huy (VnExpress.net)