Xe máy phổ thông lao dốc không phanh
Tính đến thời điểm này, theo số liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), thị trường xe máy đã có năm thứ 3 liên tục sụt giảm. Cụ thể, trong năm ngoái, 5 thành viên thuộc VAMM (Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM) bán ra đạt 2.492.372 xe, giảm 220.243 xe so với năm 2020, tương đương giảm 8,1%. Năm 2020, thị trường bán được 2,84 triệu xe, giảm 14,4% so với 2019. Năm 2019 thị trường bán được 3.254.964 xe các loại, giảm 3,87% so với năm 2018.
Như vậy, 2021 là năm thứ 3 ghi nhận lượng tiêu thụ xe máy giảm sút liên tục và là năm thứ 2 thị trường bán dưới 3 triệu xe. Lần cuối xe máy ở Việt Nam tăng trưởng là năm 2018 với 3.386.097 chiếc của năm 2018, tăng 3,8% so với năm 2017.
Sự sụt giảm trầm trọng của thị trường xe máy còn thấy rõ ở hãng xe chiếm thị phần lớn nhất là Honda. Theo Honda Việt Nam, năm 2021 công ty đã bán được hơn 1,99 triệu xe máy các loại, sụt giảm 7% so với năm trước đó nhưng thị phần lại tăng 1% so với năm 2020, đạt 79,9%. Năm 2020, Honda bán 2.142.564 xe, giảm 16,7% so với năm 2019.
Một thành viên khác của VAMM là Piaggio Việt nam cũng ghi nhận tình hình kinh doanh sụt giảm. Mặc dù không cho biết cụ thể con số nhưng đại diện truyền thống của Piaggio Việt Nam nói năm 2021 công ty tăng mạnh xuất khẩu nhưng giảm lượng tiêu thụ trong nước.
Theo các chuyên gia trong ngành, thị trường xe máy sụt giảm 2 năm vừa qua phần lớn do ảnh hưởng bởi dịch covid-19. Đại dịch ảnh hưởng đến phần lớn người lao động phổ thông và học sinh, sinh viên nên nhu cầu mua xe máy giảm. Bên cạnh đó, thị phần xe máy điện đang tăng cùng độ bão hòa của xe máy xăng đang dự báo ở đỉnh điểm nên thị trường sẽ khó lấy lại “phong độ” như 4, 5 năm trước, bất chấp giá xe liên tục giảm hoặc tăng khuyến mại từ các “ông lớn”.
Hãng “quay xe” sang phân khối lớn, tiềm năng khách Việt còn rất lớn
Trong bối cảnh thị trường xe máy đang “lao dốc” và dự báo sẽ khó tăng trở lại trên 3 triệu xe trong thời gian tới, thì ngược lại mảng kinh doanh phân khối lớn lại có dấu hiệu sôi động.
Ngay trong tháng đầu năm, Piaggio Việt Nam đã mở đại lý xe phân khối lớn thứ 2 tại Hà Nội, sau đại lý đầu tiên mở ở Tp.HCM hồi tháng 12 năm ngoái. Với tên gọi Motoplex, đây là dạng showroom theo mô hình toàn cầu của tập đoàn xe máy Ý, sẽ đồng thời kinh doanh 4 thương hiệu cao cấp trực thuộc là Piaggio, Vespa, Aprilia và Moto Guzzi.
Đặc biệt lần đầu gia nhập thị trường phân khối lớn (PKL), hai thương hiệu Aprilia và Moto Guzzi đã gây sự chú ý khi định giá sản phẩm thấp hơn đối thủ đồng hương Ducati. Điển hình như thương hiệu Moto Guzzi thiên về các mẫu Classic có giá từ 385 triệu đến 505 triệu đồng. Thương hiệu Aprilia gồm các mẫu mô tô thể thao trẻ trung giá cao nhất là 885 triệu đồng với mẫu RSV4 Factory và thấp nhất là mẫu Tuono 660 giá 475 triệu đồng.
Cũng trong tháng, vào ngày 7/1 vừa qua, Yamaha Motor Việt Nam tổ chức sự kiện ra mắt Revzone Yamaha Motor nhằm giới thiệu hệ thống phân phối xe PKL hoàn toàn mới đến với khách hàng. Hệ thống đầu tiên đặt tại Tp.HCM và sẽ đi vào hoạt động từ tháng 3 năm nay.
Theo đó, Revzone Yamaha Motor sẽ tập trung vào dòng xe PKL và dòng xe thể thao hiện hữu, đồng thời bán các sản phẩm như trang phục, đồ bảo hộ, phụ kiện và phụ tùng chính hãng. Các xe PKL trên 400cc sẽ được nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản, riêng các xe có dung tích dưới 400c được nhập khẩu từ Indonesia. Dự kiến các mẫu PKL được yêu thích như MT-09, MT-10 và YZF-R7 phân phối chính hãng sẽ có giá “mềm” hơn so với hàng nhập tư nhân như trước đây.
Là công ty sớm bán PKL từ cách đây 2 năm qua hệ thống đại lý riêng mang tên gọi Honda Bigbike, Honda Việt Nam ngay lập tực xây dựng cộng đồng người sử dụng xe PKL của mình, đồng thời liên tục khích lệ bằng chuỗi các hoạt động “Biker day” tổ chức ở các điểm khác nhau trên cả nước. Không chỉ vậy, công ty còn “gây sốc” bằng việc hạ giá bán của một số mẫu mô tô phổ thông như CBR 150R 2021, giá còn từ 70,9 – 72,5 triệu đồng, tạo áp lực cạnh tranh với các xe nhập ngoài.
Anh Nguyễn Mạnh Toàn, một người chơi mô tô có tiếng ở Tp Hồ Chí Minh nhận định, thị trường PKL ở Việt Nam vẫn còn dư địa lớn bởi đam mê của người Việt với những cỗ máy dung tích lớn, dáng ngồi phong trần là chưa bao giờ hết. “Bây giờ việc học thi bằng lái A2 đã dễ và rẻ hơn trước đây, giá xe cũng mềm đi, lại thêm nhiều thương hiệu để lựa chọn nên sẽ có thêm những lớp khách hàng mới. Tôi có những người bạn có đủ ô tô lẫn xe máy, vẫn thích mua thêm một hai chiếc mô tô để cuối tuần đi chơi”, anh Toàn nói.
Thực tế những người như anh Toàn hay chính xác hơn là các cộng đồng “biker” chơi xe PKL lâu nay vẫn tạo sự khác biệt rất rõ với các nhóm còn lại. Phần lớn sự quan tâm của họ chủ yếu là tới thương hiệu, thiết kế và sức mạnh từng chiếc PKL đem lại, thay vì để ý tới giá bán hay các chương trình khuyến mãi. Vì vậy, khi một thị trường PKL mở rộng hơn với đủ các thương hiệu, nhiều dòng sản phẩm, cũng là lúc các “ông lớn” trong VAMM vốn chiếm thị phần lớn ở mảng xe máy phổ thông sẽ “quay xe”, lao vào “cuộc chiến” mới và thực tế đang dần cho thấy điều này.
Theo Đình Quý (VietNamNet)