Thị trường ôtô tránh giảm sốc nhờ thuế phí

24/10/2020 15:35:02

Chịu tác động lớn từ dịch COVID-19 khiến nhu cầu tiêu thụ ôtô tại Việt Nam giảm sút. Song với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là việc giảm 50% lệ phí trước bạ với ôtô trong nước đã góp phần kích thích nhu cầu thị trường.

Thị trường ôtô tránh giảm sốc nhờ thuế phí

Doanh số bán xe du lịch toàn thị trường đã tăng trở lại trong tháng 9 - Ảnh: N.KH.

"Đây là thương hiệu mới với giá cả cạnh tranh, nghe nói chỉ sau một tháng ra mắt, đơn đặt hàng lên tới 2.000 xe cho thấy dòng xe này rất được ưa chuộng. Vì thế mà ngay khi chính thức giảm lệ phí trước bạ 50% đối với ôtô trong nước, tôi quyết định mua ngay. Chỉ bỏ hơn 600 triệu đã có thể sở hữu xe và tiết kiệm hơn 30 triệu đồng." Chị Hương (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ.

Có nhu cầu mua xe trong mức giá dưới 1 tỉ đồng đối với các mẫu xe gầm cao hạng trung để phù hợp nhu cầu đi lại ở thành phố, sau khi tham khảo nhiều dòng xe, chị Hương (Ba Đình, Hà Nội) quyết định xuống tiền để lựa chọn một mẫu xe trong nước vừa ra mắt của nhà sản xuất Thaco.

Thị trường thoát cảnh... chợ chiều

Lựa chọn phân khúc xe trên 1 tỉ đồng, anh Hoàng (Thủ Dầu Một, Bình Dương) dự định mua xe nhập khẩu nguyên chiếc của Honda. Tuy nhiên khi nghe thông tin hãng này chuyển hướng lắp ráp xe trong nước, hỗ trợ giảm tiếp 50% lệ phí trước bạ, anh Hoàng thay đổi quyết định để hưởng "combo" ưu đãi.

Dòng xe mà anh Hoàng lựa chọn vốn được Honda lắp ráp ở Việt Nam từ hai năm trước. Dịp ra mắt sản phẩm này, lãnh đạo Honda cũng cho biết việc quay lại lắp ráp ở Việt Nam có nhiều thuận lợi hơn về nhu cầu thị trường, sản lượng và kinh nghiệm sản xuất, đặc biệt là chính sách của Chính phủ. Vì vậy, dù xe có giá cao hơn so với phiên bản cũ 15 - 25 triệu đồng nhưng bên cạnh việc Nhà nước hỗ trợ giảm 50% phí trước bạ, hãng tặng thêm 50% phí trước bạ còn lại, khách hàng vẫn "hời" hơn rất nhiều.

Đại diện một showroom chính hãng của Thaco ở Hà Nội chia sẻ việc kịp thời ban hành chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất trong nước giúp doanh số bán hàng giữ được ổn định. "Việc giảm lệ phí trước bạ giúp nhiều khách hàng đang có kế hoạch mua xe đã quyết định nhanh hơn" - vị này cho hay.

Thị trường ôtô tránh giảm sốc nhờ thuế phí - 1

Thị trường ôtô trong tháng 9 đã có triển vọng tích cực hơn - Ảnh: N.KH. 

Nhiều hiệu ứng tích cực từ giảm phí

Một đại diện của Toyota Việt Nam cho biết doanh số bán hàng tháng 9-2020 của hãng đạt 6.428 xe, mặc dù giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đây là tháng có doanh số cao nhất từ đầu năm đến nay. Đặc biệt, tỉ trọng các mẫu lắp ráp và nhập khẩu của Toyota là 70/30 nên tạo ra nhiều lợi thế cho người tiêu dùng chọn mua những dòng xe nội địa để hưởng ưu đãi giảm lệ phí trước bạ.

Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), từ tháng 9 thị trường đã có nhiều triển vọng tích cực, dẫn chứng doanh số toàn thị trường đạt 27.252 xe các loại, mẫu xe du lịch và thương mại đều có mức tăng ấn tượng với 34% và 29%. 

Nhiều chuyên gia nhận định thị trường đã sôi động hơn nhờ có cú hích từ việc giảm lệ phí trước bạ, giúp thoát khỏi cảnh chợ chiều "ảm đạm" mà còn mở ra nhiều triển vọng tích cực cho thị trường vào cuối năm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết từ sau Tết Nguyên đán 2020, hoạt động kinh doanh ôtô tại Việt Nam đã rơi vào trạng thái "hãm phanh", tốc độ chậm dần rồi gần như "đóng băng" do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy vậy, từ cuối tháng 6-2020, với sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách giảm thuế, lệ phí trước bạ đã và đang tạo ra hiệu ứng tích cực cho các hãng sản xuất ôtô trong nước. 

Nhiều hãng, gồm cả FDI, đang xem xét duy trì và mở rộng sản xuất trong tương lai khi thấy động thái cam kết hỗ trợ ngành ôtô trong nước của Việt Nam. Dự báo lượng tiêu thụ ôtô trong năm 2020 có thể sụt giảm, tuy nhiên chỉ khoảng 3-5% so với năm 2019.

Theo Ngọc An (Tuổi Trẻ)