Tháng 11, thị trường ôtô đón nhận nhiều biến động về giá cũng như sản phẩm, có tác động rõ rệt đến doanh số của các hãng. Doanh số toàn thị trường đạt 24.752 xe, gồm 12.774 xe du lịch và 10.310 xe thương mại. Xe chuyên dụng đạt 1.465 xe.
Nhiều dòng xe tăng trưởng
Toàn bộ các dòng xe đều tăng trưởng so với tháng trước, trong đó xe du lịch tăng 6%, xe thương mại tăng 15% và xe chuyên dụng tăng 65%, kéo theo tăng trưởng toàn thị trường 13% so với tháng trước. Tuy nhiên, con số này vẫn giảm 13% so với cùng kỳ năm 2016.
Toyota Vios bán chạy nhất thị trường với 2.553 xe, Ford Ranger bán tổng cộng 1.369 xe đứng thứ 2. Toyota Innova tăng trưởng ấn tượng so với tháng 10, đạt 1.199 xe đứng thứ 3.
Theo nhân viên kinh doanh của một đại lý Toyota, Vios có mức tiêu thụ cao do giá bán tốt. "Tháng 11, Toyota Việt Nam công bố giá năm 2018 cho nhiều dòng xe, Vios giảm từ 48 đến 58 triệu đồng, trong khi đại lý còn giảm thêm cho dòng xe này từ 20 đến 25 triệu tùy phiên bản", nhân viên kinh doanh này cho biết thêm.
Bên cạnh đó, Toyota Altis cũng có mức tăng trưởng đáng kể trong tháng 11 và góp mặt trong danh sách 10 xe bán chạy nhất thị trường. Dòng xe này đạt doanh số 581 xe, trong khi tháng 10 bán được 299 xe. Mẫu sedan hạng C này cũng được đại lý giảm giá khoảng 40 triệu đồng, trong khi đã được Toyota áp dụng giá bán năm 2018.
Ở phân khúc crossover, Mazda CX-5 có phiên bản mới từ ngày 18/11, doanh số dòng xe này đạt 712 xe, giảm so với con số 1.158 xe trong tháng 10, vẫn là một trong 10 dòng xe bán chạy nhất trên thị trường.
Trong tháng 11, cả xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu đều tăng trưởng so với tháng 10. Tuy nhiên, doanh số xe lắp ráp cộng dồn hết tháng 11 năm nay giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi xe nhập khẩu tăng 9%. Điều này cũng không lạ, bởi ngay từ đầu năm, một số dòng xe đã được các nhà sản xuất chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu nguyên chiếc, để đón đầu chính sách thuế nhập khẩu 0% nội khối ASEAN năm 2018, theo hiệp định thương mại ATIGA.
Một số dòng xe không còn hàng để bán
Những quy định mới từ nghị định 116/2017/NĐ-CP, khiến một số dòng xe nhập khẩu đang gặp khó. Kế hoạch nhập khẩu của các hãng xe cũng từ đó bị ảnh hưởng.
Điển hình là dòng xe Toyota Fortuner nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia. Tháng 11, dòng xe này chỉ bán được 398 xe, lần đầu tiên không nằm trong danh sách 10 xe bán chạy nhất thị trường kể từ đầu năm, trong khi trung bình tháng người Việt tiêu thụ khoảng 1.200 chiếc Fortuner các phiên bản.
Một nhân viên kinh doanh của Toyota chia sẻ Fortuner ở tình trạng khan hàng kể từ khi nghị định 116 ban hành. Khách mua xe không được ưu đãi gì, mà phải lắp thêm phụ kiện trị giá vài chục triệu đến cả trăm triệu nếu muốn nhận xe ngay. Do đó, doanh số tháng 11 không cao, tháng 12 xe cũng không còn hàng để bán.
Toyota Việt Nam cũng cho biết hãng đã dừng đơn đặt hàng với dòng xe này, cùng Yaris và Hilux đến hết tháng 2/2018 để chờ hướng dẫn cụ thể đối với xe nhập khẩu.
Honda CR-V trong tháng 11 đã không còn thống kê doanh số, do hãng bán hết phiên bản cũ từ trước. Phiên bản mới ra mắt giữa tháng 11 sẽ được phân phối vào đầu năm 2018. Đại diện của Honda Việt Nam cho biết hãng vẫn giữ kế hoạch bán dòng xe này ra thị trường trong tháng 1/2018, nhập khẩu xe trực tiếp từ Thái Lan.
Có thể thấy, việc công bố giá bán sớm năm 2018 của một số nhà sản xuất, lắp ráp lớn trong nước và các chương trình ưu đãi liên miên đã giúp thị trường xe tháng 11 khởi sắc hơn so với tháng 10. Người dân đã dễ dàng xuống tiền mua xe thay vì chờ đợi chính sách như trước đây.
Tuy nhiên sự chờ đợi trong suốt thời gian qua của người tiêu dùng đã ảnh hưởng đến dự báo của thị trường trong năm nay so với 2016. Chỉ còn khoảng 20 ngày nữa sẽ hết năm 2017, toàn thị trường còn thiếu hơn 26.000 xe nữa đặt doanh số như 2016, chưa nói đến chuyện tăng trưởng ít nhất 10% như dự báo ban đầu.
Theo Ngọc Tuấn (Tri Thức Trực Tuyến)