Theo báo cáo của Hiệp hội Sản xuất ô tô Đông Nam Á (AAF), trong 6 tháng đầu năm 2023, Indonesia dẫn đầu doanh số tiêu thụ ô tô với 505.000 chiếc, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2022. Xếp thứ 2 là Thái Lan với 406.000 chiếc, giảm nhẹ 5%; Malaysia ở vị trí thứ 3 với 366.000 chiếc, tăng 10,3%. Đáng chú ý, Philippines từ vị trí thứ 5 vươn lên thứ 4 với 202.415 ô tô bán ra, tăng mạnh 30,7%. Việt Nam vì thế rớt xuống hạng 5 với 137.327 chiếc, giảm mạnh 32% so với cùng kỳ năm 2022.
Indonesia có thể vượt qua Thái Lan - từng được cho là Detroit của Đông Nam Á - để dẫn đầu thị trường ô tô khu vực là nhờ chính sách giá rẻ. Chính sách này đã được không ít quốc gia trong khu vực học tập. Nhờ đó, sức tiêu thụ ô tô ở nhiều nước trong 3 tháng trở lại đây tiếp tục ổn định hoặc tăng trưởng tốt.
Trong khi đó, tại thị trường Việt Nam, số liệu cho thấy sức tiêu thụ trong tháng 7-2023 giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 24.687 chiếc. Đến tháng 8, toàn thị trường bán ra chỉ 22.540 chiếc, giảm so với tháng 7 lẫn cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng này cũng tương tự khi bước vào tháng 9, là tháng Ngâu (tháng cô hồn), vốn là thời điểm người tiêu dùng kiêng mua sắm hàng hóa có giá trị lớn.
Phân tích nguyên nhân sức tiêu thụ ô tô của Việt Nam sụt giảm mạnh trong khi nhiều nước khu vực Đông Nam Á giữ phong độ ổn định hoặc phục hồi đáng kể, giới chuyên gia cho rằng bên cạnh ảnh hưởng của những diễn biến bất lợi như xung đột Nga - Ukraine, tình hình lạm phát toàn cầu..., còn do các vấn đề nội tại của nền kinh tế Việt Nam.
Theo ông Phạm Cường, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô - Xe máy - Xe đạp Việt Nam, một số nước Đông Nam Á có nền kinh tế phát triển tốt, cuộc sống người dân ổn định, mức sống đồng đều và giá ô tô rẻ hơn Việt Nam. Do đó, sức mua ở những thị trường này đương nhiên tốt hơn Việt Nam.
Ông Đào Công Quyết, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), chỉ rõ các nước trong khu vực Đông Nam Á bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trước Việt Nam nên sau đại dịch có thể phục hồi sớm hơn. Với độ trễ này, Việt Nam cần thêm thời gian để có những dấu hiệu khởi sắc rõ rệt hơn, khi đó sức tiêu thụ hàng hóa nói chung sẽ tăng. "Ngoài ra, lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao, thanh khoản của thị trường bất động sản chưa được cải thiện cũng khiến sức tiêu thụ ô tô sụt giảm" - ông Quyết nhận định.
Nêu thực tế giá ô tô của các nước trong khu vực rẻ hơn ở Việt Nam 30%-40%, chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho rằng chính sách giá của Việt Nam chưa tốt và chưa ổn định. Bên cạnh đó, thị trường các nước có nhiều model xe hơn Việt Nam nên người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn. "Cần miễn, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và một số loại phí, lệ phí đối với ô tô để tạo điều kiện cho nhiều người tiếp cận mặt hàng này. Chúng ta cũng có thể nghiên cứu chính sách cho vay mua xe của các nước trong khu vực để áp dụng sao cho hợp lý nhất, tạo điều kiện tốt nhất cho người tiêu dùng" - ông Đồng góp ý.
ThS Trần Anh Tùng, Trưởng ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM, nêu thực tế Việt Nam nằm trong nhóm nước tăng trưởng cao sau đại dịch COVID-19 nên việc sụt giảm sức mua ô tô không hẳn chỉ do kinh tế khó khăn. Nguyên nhân còn ở chỗ Việt Nam chưa có nền tảng thể chế, cơ chế tốt bằng một số nước nên khả năng kích thích thị trường có hạn chế nhất định.
Không phải tín hiệu xấu
ThS Trần Anh Tùng nhìn nhận doanh số tiêu thụ ô tô ở thị trường Việt Nam sụt giảm "không phải là chuyện xấu" mà thể hiện xu hướng chi tiêu thận trọng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại và chi phí vốn vay cao. Mặt khác, sức mua ô tô chững lại cũng giúp tránh tạo thêm áp lực gia tăng phương tiện cá nhân trong bối cảnh cơ sở hạ tầng đường bộ trong nước đang quá tải.
Theo Nguyễn Hải (Nld.com.vn)