SUV cỡ B nhiều lựa chọn từ 600 triệu đồng
Nếu như gần 2 thập niên trước, SUV 7 chỗ đã tạo nên làn gió mới cho thị trường ô tô Việt Nam vốn chỉ quen thuộc với các dòng sedan gầm thấp, thì bước sang thập niên thứ 3 của thế kỷ 21, chúng ta đang chứng kiến sự trỗi dậy của các mẫu SUV cỡ nhỏ, hay còn có các tên gọi mini SUV, SUV cỡ B, hay crossover SUV hạng B.
Tính tới thời điểm hiện tại, SUV cỡ B có tới 8 mẫu xe đang bán trong nước, giá từ 500 triệu đồng tới 871 triệu đồng, như Hyundai Kona, Kia Setols, Ford EcoSport, MG ZS, Honda HR-V, Mazda CX-3, Peugeot 2008 và Toyota Rush. Dù chưa chiếm thị phần mạnh như xe hatchback cỡ A hay MPV cỡ nhỏ nhưng SUV cỡ B đang dẫn đầu về số lượng mẫu xe.
Trong số các mẫu xe trên, Ford EcoSport là mẫu xe tồn tại lâu nhất, khi ra mắt từ năm 2014 và đến nay đang duy trì 3 phiên bản có giá từ 603 triệu đến 686 triệu đồng. Thời hoàng kim của Ford EcoSport chính là 2 năm sau khi ra mắt với doanh số thường vượt xa đàn anh 7 chỗ Ford Everest. Đây cũng là mẫu xe đánh dấu sự trở lại của SUV đô thị (cỡ B) sau một thời gian vắng bóng (trước đây có Daihatsu Terios, Suzuki Vitara).
SUV cỡ B chỉ trở nên "chật chội", cạnh tranh "gay gắt" khi dần xuất hiện những cái tên mới như Hyundai Kona (tháng 8/2018) với 3 phiên bản động cơ, giá bán từ 615 triệu đồng đến 725 triệu đồng; sau đó 1 tháng, mẫu Honda HR-V nhập cuộc với giá bán từ 786 triệu đến 871 triệu đồng. Đến tháng 7/2020, Kia Seltos trình làng có 4 phiên bản giá từ 589 triệu đến 719 triệu đồng.
Riêng trong năm 2021, thị trường đã đón nhận thêm 3 tân binh, gồm MG ZS mới ra mắt tháng 1 với giá bán 569 triệu đồng và 619 triệu đồng; CX-3 ra mắt tháng 4 có ba phiên bản giá 629, 669 và 709 triệu đồng. Mới nhất, Toyota Raize - chiếc xe bán chạy thứ hai tại Nhật Bản năm 2020 được thông báo sẽ bán tại Việt Nam trong Quý cuối năm với phiên bản duy nhất trang bị động cơ tăng áp 1.0 Turbo.
Có thể thấy phân khúc SUV cỡ B đang phát triển rất nhanh về cả số lượng và doanh số. Ước tính trong 8 tháng của năm 2021, phân khúc này bán được gần 20.000 xe, vượt trên cả phân khúc MPV cỡ nhỏ (bán 9.790 xe) từng phát triển rất nhanh vào năm 2020, trong đó mẫu Kia Seltos vươn lên vị trí hàng đầu với 8.808 xe, tiếp đến là Hyundai Kona bán được 2.653 xe.
Khó khăn và thuận lợi của Toyota Raize khi chen chân khá muộn
Với việc tuyên bố sẽ bán một phiên bản Toyota Raize, có vẻ Toyota Việt Nam đang khá thận trọng, mang tính toán thử nghiệm thị trường. Trước đó, hãng xe Nhật đã có 4 thử nghiệm tung xe mới gồm Toyota Avanza, Toyota Wigo, Toyota Rush, Corolla Cross và chỉ có 1 mẫu xe tạm thành công chính là Corolla Cross.
Sự thất bại của Avanza, Rush, Wigo trong 3 năm qua kể từ khi ra mắt thị trường tháng 9/2018 được nhìn nhận là do 2 nguyên nhân. Nguyên nhân đầu tiên là không hợp thị hiếu người dân do thiết kế xe khá nhàm chán, và nguyên nhân thứ hai là thị trường tồn tại các đối thủ quá mạnh như Mitsubishi Xpander, Kia Morning, Hyundai Grand i10 và Vinfast Fadil.
Nếu tiếp tục là một phép thử mới, Toyota Raize sẽ có bước chạy đà khá chậm nếu muốn bứt phá hẳn so với các đối thủ. Bản thân mẫu Raize cũng là lựa chọn khó hiểu của Toyota Việt Nam khi dẫm chân lên chính chiếc Toyota Rush. Về kích thước Dài x Rộng x Cao, Rush (4.435 x 1.695 x 1.705 mm) chỉ nhỉnh hơn so với mẫu Raize (4.040 x 1.710 x 1.635 mm) về chiều dài, rộng và có 7 chỗ, nhưng vẫn được xếp ở phân khúc SUV cỡ B (thường được quy ước có chiều dài dưới 4.400 mm).
Tại Indonesia, giá bán của Toyota Raize bản 1.0 turbo số tự động là 264 triệu rupiah (khoảng 421,7 triệu đồng), rẻ hơn 16 triệu rupiah so với Toyota Rush (280 triệu rupiah, khoảng 447 triệu đồng). Vì giá bán không chênh quá nhiều nên có thể ước tính khi bán tại Việt Nam, về lý thuyết Toyota Raize sẽ không vượt mức 600 triệu đồng và chỉ chênh từ 30 đến 40 triệu đồng so với Toyota Rush (đang có giá 634 triệu đồng).
Không chỉ chênh lệch ít về giá bán so với Rush mà ngay cả sức mạnh, Toyota Raize cũng ở mức tương đồng. Toyota Raize trang bị động cơ tăng áp 1.0L Turbo, hộp số CVT cho công suất 98 mã lực và sức kéo 140 Nm. Còn Toyota Rush được trang bị động cơ xăng 1.5L hút khí tự nhiên, hộp số tự động 4 cấp sản sinh công suất cực đại 102 mã lực và mô-men xoắn tối đa 134 Nm. Như vậy, hai mẫu xe "cùng nhà" này sẽ phải cạnh tranh nhau về công năng sử dụng: Toyota Raize mang ngoại hình mới, thể thao cho khách hàng trẻ; Toyota Rush có 7 chỗ dành cho gia đình.
Về phía các đối thủ, Toyota Rush cũng không "dễ thở" khi thị trường sẵn có những đối thủ mạnh cả về thiết kế, công nghệ và giá cạnh tranh. Trong đó mẫu xe đang bán chạy nhất là Kia Seltos ở bản thấp nhất giá 589 triệu đồng đã trang bị động cơ 1.4L turbo mạnh hơn, gồm công suất 138 mã lực, mô-men xoắn cực đại 242 Nm, đi kèm hộp số ly hợp kép 7 cấp. Rẻ nhất hiện nay có MG ZS với giá bán từ 569 triệu đồng đã trang bị sẵn các công nghệ hấp dẫn như hộp số CVT giả lập 8 cấp cho 3 chế độ lái, giữ phanh tự động khi dừng đèn đỏ, hệ thống lọc bụi mịn PM2.5, hệ thống camera 360 độ hiển thị 3D...
Mặc dù đến muộn khi thị trường đã khá "chật hẹp" nhưng Toyota Raize vẫn có những điểm cộng để tăng phần tự tin, giống cách mà Toyota Corolla Cross đã thành công.
Đầu tiên, thiết kế của Toyota Raize không đi theo lối mòn cũ kỹ của Avanza hay Wigo mà mới mẻ hoàn toàn giống Corolla Cross. Đây cũng là mẫu xe hoàn toàn mới được phát triển từ năm 2019 và có thành công ấn tượng ở thị trường Nhật Bản, Indonesia và Malaysia.
Thứ hai, nội thất bên trong của Raize khá hấp dẫn khi có màn hình trung tâm người lái dạng LCD 7 inch, màn hình giải trí 9 inch cảm ứng đặt nổi, hỗ trợ đa dạng phương thức kết nối. Xe đạt tiêu chuẩn tiện nghi với điều hòa tự động, khởi động nút bấm và smartkey...
Cuối cùng, các công nghệ an toàn trên Raize khá thu hút so với một chiếc SUV đô thị hiện như 6 túi khí, hỗ trợ khởi hành ngang dốc HAC, cảnh báo điểm mù BSM, cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi RCTA...
Như vậy, hiện tại Toyota Raize vẫn đang là một cái tên khá tò mò với khách hàng Việt và "mảnh ghép" cuối cùng sẽ vẫn còn chờ ở quyết định giá bán. Nếu giá bán rẻ hơn so với Hyundai Kona, Ford EcoSport, đó sẽ là cú hích mạnh để Toyota Raize tự tin chiếm thị phần.
Theo Đình Quý (VietNamNet)