Ngoài ra, nhờ tăng số lượng camera từ 4 lên 8 chiếc có tầm nhìn lên tới 250 mét cùng 12 cảm biến xung quanh xe để nhận biết, cung cấp cho hệ thống Autopilot để điều khiển xe trong Hệ thống tự lái hoàn toàn (Full Self-Driving), Model X có thể thực hiện mọi thao tác của một lái xe thực thụ.
Tesla cho biết, bộ pin đặt ở dưới sàn xe giúp cho chiếc xe này có khối lượng thấp và cân bằng tốt hơn. Bên cạnh đó, các tính năng an toàn tràn ngập Tesla được trang bị tiêu chuẩn trên model X bao gồm: phanh khẩn cấp tự động giúp phòng tránh va chạm, Camera phía sau, Hệ thống tự lái tiên tiến Enhanced Autopilot sử dụng 4 camera và 12 cảm biến định vị để phát hiện các phương tiện đang tiến lại gần với độ nhanh ở làn đường bên cạnh.
Với những tính năng đảm bảo sự an toàn chất lượng 5 sao như vậy hẳn Tesla Model X xảy ra tai nạn có tỉ lệ rất thấp. Nhưng mới đây nhất, vụ tai nạn ngày 15/3 ở Hà Nội liên quan tới mẫu xe điện Tesla Model X đã thu hút được nhiều sự chú ý và tranh cãi về sự an toàn thực sự của Model X. Tại hiện trường, xe điện của Mỹ đã cuốn ít nhất 2 chiếc xe máy vào gầm, gây hư hỏng nặng. Đặc biệt, chiếc Tesla Model X gặp nạn được xác định là mẫu Tesla Model X phiên bản P100D đời 2017 đầu tiên về Việt Nam. Phiên bản P100D của Model X 2017 cũng mẫu xe có mức giá cao nhất, khoảng 96.000 USD, trong khi phiên bản cao cấp nhất của Model S là 94.000 USD.
Ngay sau vụ tai nạn, rất nhiều tranh luận đã xảy ra liên quan đến sự an toàn của xe điện Tesla. Nhiều người cho rằng hệ thống xử lý của Tesla đã “bất lực” trước giao thông Việt Nam. Một số cho rằng mẫu xe của Tesla dù đắt đỏ nhưng không như quảng cáo của nhà sản xuất.
Cần nói thêm rằng, ngày 24/3/2018, cảnh sát tuần tra của Mỹ đã thông báo tài xế 38 tuổi ngồi trong một chiếc xe Tesla Model X đã thiệt mạng sau khi đâm vào dải phân cách trên đường cao tốc gần thành phố Mountain View. Chiếc xe đã bốc cháy trước khi va chạm với 2 xe khác gần đó.
Hay vào hồi giữa năm 2016, một xe tự lái của Tesla cũng đã đâm vào một xe đầu kéo tại bang Florida, khiến chủ xe Tesla ngồi trên trong tử vong. Nguyên nhân sau đó được xác định là do chủ phương tiện đã chủ quan, để xe trong chế độ lái tự động và bỏ qua những cảnh báo mà hệ thống đưa ra trong khi người lái xe đầu kéo đi sai làn.
Trên thực tế, cần phải hiểu Tesla không phải xe tự động lái hoàn toàn. Nó đơn giản chỉ là ô tô có trang bị hệ thống hỗ trợ lái xe, tính trên thang đo cấp độ từ 0-5. Hệ thống tự lái của Tesla mới chỉ dừng ở cấp 2,5+, như vậy rõ ràng người lái vẫn luôn cần quan sát và sẵn sàng can thiệp khi xảy ra sự cố. Đặc biệt với đường phố Việt Nam thì đây là vấn đề rất quan trọng.
Ngay chính CEO Elon Musk của Tesla cũng từng nói rằng phần mềm lái tự động phiên bản mới nhất FSD Beta 9.2 mà hãng xe điện này đang thử nghiệm “thực sự không tốt lắm”, nhóm Autopilot/AI của Tesla đang tập trung để cải tiến hệ thống này nhanh nhất có thể”.
Tại Việt Nam, vào tháng 3/2021, đã xuất hiện 1 video 30 giây cho thấy dường như hệ thống tự lái Autopilot của Tesla Model X đã không thể tiếp tục điều khiển chiếc mà đã cảnh báo để chuyển lại quyền điều khiển xe cho người lái.
Như vậy, có thể thấy dù xe Tesla model X có đạt được chất lượng 5 sao về an toàn ở Mỹ thì với môi trường giao thông khác biệt tại Việt Nam, người dùng vẫn luôn phải cẩn thận quan sát để can thiệp ngay lập tức trong quá trình tham gia giao thông, không nên quá chủ quan ỷ lại các tính năng an toàn có sẵn trên xe.
Theo Minh Long (Vneconomy.vn)