Ngày 29/1, tập đoàn Toyota thừa nhận, công ty con của họ là Toyota Industries Corp (TICO) đã làm giả dữ liệu về động cơ diesel 1GD, 2GD và F33A do đơn vị này sản xuất. Vấn đề được cho là ảnh hưởng đến 10 mẫu xe Toyota khác nhau. Trong đó có Hiace, Fortuner, Land Cruiser LC300, Innova và SUV Lexus LX500D.
Những mẫu xe này đã và đang được bán ở Nhật Bản, châu Âu và Trung Đông cùng các thị trường khác. TICO cũng thừa nhận việc gian lận dữ liệu đã bắt đầu diễn ra từ năm 2017.
Tập đoàn Toyota xác nhận Việt Nam không nằm trong diện bị ảnh hưởng vì các xe của TMV là xe xăng (Land Prado, Land Cruiser) hoặc CKD sản xuất trong nước (Fortuner), còn Hilux 2GD chỉ bị ảnh hưởng tại Nhật (tay lái nghịch).
Vụ gian lận dữ liệu động cơ diesel xảy ra trong quá trình thử nghiệm để cấp chứng nhận, hiệu suất đầu ra mã lực của động cơ diesel được đo bằng ECU (bộ điều khiển điện tử của động cơ) cài phần mềm khác với phần mềm được sử dụng trong sản xuất hàng loạt.
Mặc dù Toyota cam kết rằng sai lệch thông số sẽ không ảnh hưởng tới an toàn của khách hàng khi sử dụng một trong mẫu xe được liệt kê trên nhưng điều này là sai quy trình giám sát. Vì vậy, hãng xe Nhật quyết định tạm thời ngừng xuất xưởng những mẫu xe lắp động cơ diesel do TICO sản xuất, bao gồm hai model hot của hãng là Land Cruiser 300 và Hilux.
Vụ bê bối này đã khiến chủ tịch TICO Koichi Ito phải đích thân ra mặt, cúi đầu xin lỗi trước công chúng. Trong khi đó, chủ tịch tập đoàn Toyota Koji Sato cam kết phía nhà sản xuất ô tô sẽ làm tất cả những gì có thể để giải quyết vấn đề.
Đây không phải lần đầu tiên tập đoàn Toyota dính bê bối gian lận dữ liệu. Hồi tháng 3/2022, Hino Motors - một công ty con khác của Toyota thừa nhận từng gửi dữ liệu đã chỉnh sửa về khí thải và tiết kiệm nhiên liệu cho các cơ quan quản lý giao thông vận tải.
Trong năm 2023, Toyota cũng đã phải lao đao bởi vụ bê bối gian lận thử nghiệm an toàn của Daihatsu liên quan tới hơn 80.000 xe ô tô.
Theo Lê Tuấn (Tiền Phong)