Suzuki được cho là đang có kế hoạch phân phối dòng xe Jimny tại thị trường Việt Nam ngay trong năm nay. Thông tin này xuất hiện nhiều trên các hội nhóm xe Suzuki dưới dạng tin đồn, thậm chí có người còn khẳng định đã đặt cọc, và cho biết thương Nhật đã "chốt" kế hoạch nhưng chưa biết xe sẽ nhập từ thị trường nào.
Một người khác nói rằng, Jimny có tin đồn là đã về tới một cảng biển, dự kiến ra mắt khách Việt vào tháng 10. Xe khả năng cao nhập khẩu từ Ấn Độ, nhưng chưa rõ phiên bản 3 cửa hay 5 cửa.
Dù phía Suzuki Việt Nam chưa lên tiếng xác nhận, nhưng thông tin phân phối dòng xe này đã được đồn đoán từ đầu năm nay, khi chính ông Toshiyuki Takahara, Tổng Giám đốc Suzuki Việt Nam, thương hiệu Nhật Bản đang có kế hoạch mở rộng danh mục sản phẩm ô tô tại thị trường Việt Nam trong năm 2021. Trước đó, hãng cũng từng chia sẻ dự định đưa dòng xe này về trưng bày tại triển lãm Vietnam Motor Show 2020, nhưng phải hoãn kế hoạch do đại dịch Covid-19.
Sự xuất hiện của Jimny có thể giúp Suzuki bứt phá tại thị trường Việt Nam. Dải sản phẩm của hãng xe Nhật hiện không quá đặc thù và chỉ có giá rẻ là ưu thế duy nhất. Nếu thành công, Jimny sẽ giống như Xpander của Mitsubishi, đóng vai trò dẫn dắt doanh số cho thương hiệu, bàn đạp để những dòng xe khác trong dải sản phẩm tiếp cận tới nhiều khách hàng.
Suzuki Jimny từng gây bất ngờ khi có giá bán lên tới 1,135 tỷ đồng ở Thái Lan, trong khi doanh nghiệp tư nhân tại TP.HCM từng nhập về 2 chiếc từ Đức, chào bán với mức giá 1,4 tỷ đồng. Tại Indonesia, xe chỉ có giá bán từ 315,5 triệu Rupiah, tương đương gần 525 triệu đồng. Nếu mở bán chính hãng, người tiêu dùng Việt mong ngóng Suzuki sẽ mang tới mức giá tốt, ở mức 500-700 triệu đồng.
Ngoại hình là thứ xuất sắc nhất trên mẫu SUV Nhật Bản. Suzuki Jimny mang thiết kế ngược số đông với kiểu dáng vuông vức và khỏe khoắn, tạo ra một sự lựa chọn khác biệt cho người tiêu dùng. Đèn pha gương cầu phía trước dạng tròn, nằm liền với lưới tản nhiệt nan dọc, gương chiếu hậu bản to, cửa khoang hành lý mở ngang hay gắn lốp dự phòng phía sau là chi tiết gợi lên một chiếc SUV truyền thống.
Động cơ là loại 1.5L, 4 xy-lanh công suất 100 mã lực tại 6.000 vòng/phút và mô-men xoắn 129 Nm từ 4.000 vòng/phút. Xe có tùy chọn hộp số sàn và hộp số tự động. Sức mạnh động cơ được truyền tải tới cả 4 bánh nhờ hệ thống Allgrip Pro AWD của Suzuki với khả năng chuyển đổi từ loại 2 cầu sang 1 cầu, hoặc ngược lại nhanh chóng bằng cần gạt nằm sát cần chuyển số. Hỗ trợ hệ dẫn động là tính năng kiểm soát lực kéo cho phép gia tăng lực phanh trên các bánh bị trượt khi cần thiết.
Khung gầm và khung thân xe Jimny vẫn tách biệt riêng (body-on-frame) để phục vụ mục đích off-road, tuy nhiên hệ thống treo được bổ sung thêm cơ cấu mới giúp tăng độ cứng vững xoắn. Cả góc tiếp cận (37 độ) và góc thoát (49 độ) đều tốt hơn trước.
Nội thất xe hiện đại hơn thế hệ trước, nhưng nhìn chung không có gì đặc biệt so với các dòng xe cỡ nhỏ khác trên thị trường nếu không muốn nói là kém hơn. Theo Suzuki, họ ưu tiên vào việc giúp người lái tập trung vào các thao tác lái nhiều nhất có thể, do đó các chi tiết quá hiện đại hạn chế được thêm vào.
Vô-lăng 3 chấu tích hợp nút bấm có phần "hiền" so với tổng thể vuông vức, tích hợp nút điều chỉnh hệ thống ga tự động. Cụm đồng hồ đơn giản với 2 đồng hồ analog và màn hình điện tử ở chính giữa, thiết kế tách rời. Màn hình giải trí cổ điển, có kết nối Bluetooth phục vụ nhu cầu giải trí. Hệ thống điều hòa một vùng.
Hàng ghế sau không rộng rãi vì kích thước nhỏ, phù hợp hơn với trẻ em. Bù lại, cách thiết trần phẳng giúp không gian đầu rộng rãi. Hàng ghế sau không có cửa gió điều hòa. Ghế bọc nỉ, chỉnh cơ.
Suzuki Jimny không có đối thủ cạnh tranh trực tiếp trên thị trường và được mệnh danh là tiểu "G-Class". Xe hiện chỉ có duy nhất phiên bản 3 cửa, trong khi phiên bản 5 cửa đa dụng hơn sẽ sớm ra mắt toàn cầu thời gian tới.
Theo Quốc Minh (Pháp Luật & Bạn Đọc)