SUV cỡ D là một phân khúc xe khá phổ rộng tại Việt Nam bởi đã tồn tại trên thị trường tới gần 2 thập niên và hiện ngày càng đông đúc thương hiệu. Có thể kể các mẫu xe điển hình trong phân khúc này như Ford Everest, Toyota Fortuner, Hyundai Santa Fe, Kia Sorento, Mitsubishi PajeroSport, Nissan Terra...
Thế hệ sau đắt hơn thế hệ cũ
Sau một thời gian trì hoãn, cuối cùng bản nâng cấp facelift của thế hệ thứ 4 Hyundai Santa Fe (ra mắt toàn cầu năm 2018) đã chính thức bán tại Việt Nam từ giữa tháng 5/2021. So với bản cũ, Hyundai Santa Fe 2021 có 6 phiên bản, giá cao nhất lên tới 1,34 tỷ đồng và thấp nhất 1,03 tỷ đồng. Tương đương mức tăng từ 35 triệu đến 95 triệu đồng so với bản cũ.
Hyundai Santa Fe chính là mẫu xe có công đầu đưa thương hiệu Hyundai trở nên quen thuộc tại Việt Nam trong giai đoạn cuối thập niên đầu của thế kỷ 21 (2008-2009). Trước thế hệ thứ 2 (ra mắt 2005), thế hệ đầu (ra mắt từ năm 2000) lác đác có mặt ở Việt Nam với tên gọi Santa Fe Gold vào những năm 2004. Khi bản 2006 thuộc thế hệ thứ 2 của Santa Fe bán chính hãng, nó có giá khoảng 824 triệu đồng.
Bước ngoặt nâng giá trị chiếc SUV cỡ D của hãng xe Hàn Quốc bắt đầu từ thế hệ Hyundai Santa Fe thứ 3 bán ra tại Việt Nam thông qua Hyundai Thành Công vào cuối tháng 11/2012, cùng thiết kế mới Storm Edge (biên bão), giá xe cũng tăng chóng mặt lên mức 1,3 tỷ đồng cho bản động cơ xăng 2.4L và 1,33 tỷ đồng với bản máy dầu 2.2L. Kể từ năm 2014 khi chính thức lắp ráp tại Việt Nam, Hyundai Santa Fe mới được kéo giá giảm xuống còn 1,13 tỷ đến 1,3 tỷ đồng cho 4 phiên bản. Đến thế hệ thứ 4 ra mắt tháng 1/2019, giá xe tiếp tục giảm xuống còn 995 triệu đến 1,245 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lợi thế không kéo dài lâu, phiên bản 2021 đã trở lại quỹ đạo tăng giá, trong đó phiên bản cao cấp nhất đã chạm ngưỡng 1,34 tỷ đồng.
Một mẫu SUV cỡ D khác đến từ Hàn Quốc cũng có quá trình lột xác thiết kế và giá đến ngỡ ngàng là Kia Sorento. Trước đây, mẫu Kia New Sorento (thực chất là thế hệ thứ 2) đã được Trường Hải bán ra thị trường từ tháng 10/2009 với giá 809 triệu đồng, tiếp nối thế hệ cũ nhập khẩu qua đường tư nhân. Suốt hơn 1 thập niên, người Việt chỉ quen thuộc với thế hệ này do thế hệ thứ 3 (ra mắt 2014) không được lắp ráp. Vì vậy, theo thời gian Kia Sorento ít được so sánh với Toyota Fortuner, Mitsubishi Pajero Sport, Hyundai Santa Fe bởi chênh lệch giá quá nhiều, và thường ở chiếu dưới.
Thế nhưng mọi chuyện đã khác kể từ thế hệ thứ 4 Kia Sorento bán cho người Việt vào tháng 9/2020, không chỉ "nhảy cóc" qua 1 thế hệ mà giá bán cũng vọt lên lên 1,1 tỷ đến 1,35 tỷ đồng.
Với giá bán chạm ngưỡng 1,3-1,4 tỷ đồng, giờ đây danh sách SUV cỡ D đắt đỏ đã gần như đầy đủ các gương mặt cũ. Những Toyota Fortuner, Ford Everest, Mitsubishi Pajero Sport giá dưới 900 triệu đồng giờ chỉ còn là quá khứ, nhường chỗ cho những SUV/Crossover cỡ C nhỏ hơn. Để sử dụng SUV cỡ D tầm trung, người Việt bây giờ phải bỏ ra nhiều tiền hơn so với cách đây 1 thập niên.
Cắn răng mua vì ham công nghệ
Thực tế mà nói thì hầu hết các mẫu SUV cỡ D kể trên hiện đang ở thế hệ mới đều thay đổi đáng kể về mặt công nghệ, trang bị. Không chỉ kích thước được cải thiện, mà sự tiện nghi, độ an toàn cũng khác trước rất nhiều.
Ở phiên bản mới 2021, Hyundai Santa Fe thay máy xăng 2.4L bằng loại 2.5L, động cơ dầu vẫn là loại 2.2L. Bên cạnh ngoại hình “lột xác” từ trong ra ngoài như thế hệ mới thì mẫu xe này còn sử dụng khung gầm mới N3 chia sẻ với Kia Sorento thế hệ thứ 4, giúp xe bề thế hơn. Bên trong, Hyundai Santa Fe tăng độ sang cho người dùng thông qua bảng đồng hồ LCD 12,3 inch trước vô lăng, màn hình giải trí trung tâm tăng từ 8 inch lên 10,25 inch cùng bộ âm thanh cao cấp 10 loa Harman-Kardon. Bệ cần số mới dạng nổi như xe Châu Âu, ghế bọc da 2 tông màu, điều hòa 2 vùng, công nghệ hiển thị thông tin trên kính lái (HUD)... Công nghệ an toàn cũng được nâng cấp đáng kể, như thêm camera 360 độ cùng gói Smart Sense với hỗ trợ giữ làn (LFA), đèn pha thích ứng (AHB) tự động chuyển pha-cốt, cảnh báo và phòng tránh va chạm điểm mù (BVM&BCA), phòng tránh va chạm với người đi bộ, hỗ trợ đỗ xe chủ động.
Tương tự, Kia Sorento 2020 giờ đây không còn là chiếc SUV 7 chỗ đơn giản theo hướng tiết kiệm nữa mà đồ công nghệ tràn ngập. Bên cạnh ngoại hình cứng cáp, bề thế, bên trong thế hệ Kia Sorento mới hiện đại hơn trước gấp nhiều lần. Xe dùng đồng hồ là loại kỹ thuật số 12,3 inch, màn hình trung tâm 10,25 inch đặt nổi điều khiển cảm ứng. Phía sau vô-lăng là màn hình hắt kính HUD. Âm thanh Bose. Cửa sổ trời dạng toàn cảnh. Điều hoà tự động, đề nổ bằng nút bấm hay phanh đỗ điện tử. Bản máy dầu dùng cần số chuyển sang núm xoay không khác xe hạng sang.
Nói về nâng hạng sớm nhất phải kể đến mẫu Everest của hãng xe Mỹ Ford, ra mắt thế hệ thứ 2 từ cuối năm 2014 và bán tới tay người Việt từ đầu năm 2016. Bên cạnh giá bán tăng vọt từ ngưỡng 774 triệu đồng lên mức 1,25 tỷ đến 1,629 tỷ đồng, ngoại hình cho đến trang bị trên xe giống như...hai mẫu xe hoàn toàn khác nhau. Điều này có thể dễ hiểu bởi thế hệ thứ nhất của xe tồn tại quá lâu, lên tới 12 năm (từ 2003 đến 2015), dẫn đến sự ngỡ ngàng ở thế hệ thứ hai. Cũng từ thế hệ này, Ford liên tục cập nhật công nghệ động cơ, từ loại 2.2L, 3.4L cho đến Biturbo 2.0L. Đi cùng là loạt trang bị an toàn mới mẻ như kiểm soát vào cua, cảnh báo điểm mù, hỗ trợ đỗ xe, phanh tự động, khởi hành ngang dốc...
Nói về lý do mua chiếc Kia Sortento mới giá 1,35 tỷ đồng, anh Phạm Tuấn Tú (Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết đã quyết định bán chiếc Kia Sorento đời 2017 với giá 650 triệu đồng, bù thêm gấp đôi để lấy xe thế hệ mới vì khác biệt công nghệ quá lớn. “Bản cũ tôi chạy đã 3 năm, lúc mua giá cũng gần 900 triệu cả đăng ký nhưng so với các xe cùng đời thấy thua thiệt nhiều về trang bị, tiện nghi, giải trí ít ỏi. Khi thấy xe mới có những thiết kế, tính năng như xe sang thì không tránh khỏi ham muốn đổi xe”, anh Tú kể.
PGS. TS Đàm Hoàng Phúc, Bộ môn Ô tô và xe chuyên dùng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong một thời gian dài theo dõi thị trường ô tô Việt Nam, cũng có nhận định khá rõ ràng về tư duy người tiêu dùng Việt khi chọn mua ô tô. Ống Phúc nói: “Người Việt có một đam mê rất lớn về công nghệ, sẵn sàng bỏ số tiền lớn để mua những sản phẩm mới mẻ. Điều này dễ thấy qua thị trường điện thoại smart phone tăng trưởng rất nhanh. Ô tô cũng vậy, ngay như xe điện Tesla dù về Việt Nam khó dùng vậy cũng có người mua”.
Có thể nhận thấy một sự dịch chuyển khá mạnh mẽ về mặt phân khúc ô tô tại Việt Nam sau khoảng chục năm khi SUV cỡ D không còn nằm ở “điểm với” của nhiều người, thay vào đó là những xe cỡ C, cỡ B giá rẻ hơn nhưng chật chội, ít công nghệ. Phần lớn sự dịch chuyển này là do mức độ cạnh tranh giữa các hãng xe ngày một tăng lên. Điều này dẫn đến doanh số dòng SUV cỡ D sụt giảm trông thấy. Đó là lý do vì sao trong 2 năm trở lại đây, không còn những cái tên quen thuộc nằm trong Top 10 xe bán chạy.
Theo Đình Quý (VietNamNet)