"Khách hàng chắc chắn cảm thấy sốc". Đó là phát biểu của David Goldsmith, chủ gara Urban Classics tại Brooklyn, New York, trong cuộc phỏng vấn với CNBC về thực trạng hiện tại của ngành sửa chữa ô tô.
Theo bản tin từ CNBC, chi phí sửa chữa ô tô không ngừng tăng cao, thậm chí vượt mức lạm phát chung. Trong khoảng thời gian từ tháng 11/2013 đến tháng 11/2023, chi phí sửa chữa và bảo dưỡng xe cơ giới ở Mỹ đã tăng 4,1%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng chung của nước này chỉ tăng 2,8%. Riêng trong năm 2022, chi phí sửa chữa đã tăng tới 10% và dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2023.
Nhiều người có thể thấy điều này khó hiểu khi công nghệ tiên tiến vốn nên làm cho việc sửa chữa trở nên dễ dàng hơn và giảm chi phí, cũng như làm giảm số lần xe gặp vấn đề.
Tuy nhiên, CNBC chỉ ra 3 vấn đề chính gây ra tình trạng này: xe đắt đỏ hơn, tai nạn giao thông nghiêm trọng hơn, và số lượng thợ sửa xe ngày càng ít.
Tai nạn giao thông nghiêm trọng hơn
Tai nạn giao thông ngày càng nghiêm trọng hơn khi ô tô năm 2022 nặng hơn 33% và mạnh gấp đôi so với xe năm 1985. Xe những chiếc xe nặng hơn, chạy nhanh hơn dễ gây ra những thiệt hại nghiêm trọng hơn, đặc biệt là từ những chiếc SUV và bán tải đang được ưa chuộng.
Xu hướng mua xe này cũng thể hiện ở thị trường Việt Nam. Theo số liệu bán hàng từ Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), trong năm 2023, doanh số sedan chỉ đạt 52.658 xe, trong khi SUV từ 5-7 chỗ bán được 62.234 xe, cao nhất trong các dòng ôtô tại Việt Nam. Lượng xe crossover 5-7 chỗ đạt doanh số gần 38.000 xe, MPV 7 chỗ đạt 53.062 xe.
Xe đắt đỏ hơn
Giá xe tăng cao do người tiêu dùng thích nhiều option, nhiều công nghệ, được là hệ thống hỗ trợ lái xe nâng cao (ADAS). Tuy nhiên, xe nhiều công nghệ lại có khả năng gặp trục trặc cao hơn.
Chẳng hạn, khoảng hai phần ba các dòng xe bán ra ở Mỹ ngày này trang bị sẵn và tùy chọn hệ dẫn động bốn bánh. Trong khi đó, vào thập niên 1980, con số này chỉ khoảng 10%. Điều này có nghĩa là công việc tại các gara sửa xe ngày nay bao gồm các bộ phận liên quan đến hệ dẫn động bốn bánh.
Ngoài ra, có những yếu tố khác như việc sử dụng vật liệu nhẹ như nhôm dẫn đến việc dễ hỏng và cần thay thế. Số bộ phận giảm nhờ công nghệ mới, nhưng những bộ phận còn trên xe lại to hơn, liên kết với nhau chặt hơn, làm tăng chi phí sửa chữa.
Goldsmith còn nói thêm: "Ô tô bây giờ giống như một máy tính lớn." Điều này phản ánh sự thay đổi đáng kể về công việc sửa chữa, không chỉ là về cơ khí, mà còn cả về mặt tin học.
"Cùng một tai nạn tương tự cách đây 10 năm, giờ bạn có thêm 3 cảm biến bị ảnh hưởng và có khả năng phải thay thế", Ryan Mandell, giám đốc tư vấn tại Mitchell (công ty công nghệ liên quan đến các vấn đề bảo hiểm, sửa chữa ô tô), lấy ví dụ.
Thiếu thợ
Sự khan hiếm người thợ sửa xe và chi phí nhân công cao cũng là một phần của vấn đề. Theo Mitchell, năm 2019, công thợ sửa xe ở Mỹ là gần 50 USD/giờ và tăng lên gần 60 USD/giờ vào cuối năm 2023.
Một trong các lý do là COVID-19 ập đến, hạn chế nhu cầu đi lại, đồng thời giảm nhu cầu sửa xe. Do đó, nhiều thợ chuyển sang làm việc khác.
Giá linh kiện cũng tăng cao do khan hiếm nguồn cung và vận chuyển bị hạn chế. Năm 2022, giá linh kiện sản xuất bởi các nhà sản xuất xe hơi đã tăng 10% và linh kiện bên thứ ba tăng 17%.
Alan Amici, chủ tịch kiêm CEO của Trung tâm Nghiên cứu Ô tô (Center for Automotive Research), nhấn mạnh rằng nếu xe có giá cả phải chăng thì chi phí sửa chữa và bảo dưỡng cũng cần phải chăng. Nếu không, sẽ có ít xe được bán ra hơn,. Do đó, đây có thể là động lực cho các nhà sản xuất tìm cách giảm chi phí.
Theo Thanh Linh (Đời Sống & Pháp Luật)