Công dụng chính của Cruise Control
Hệ thống kiểm soát hành trình Cruise Control hiện đại được phát minh bởi kỹ sư Ralph Teetor vào năm 1945 và bắt đầu được ứng dụng trên các mẫu xe thương mại vào năm 1958. Hệ thống này sẽ được kích hoạt chủ động bởi người lái thông qua nút bấm trên vô-lăng hoặc cần gạt phía sau vô-lăng.
Sau khi được kích hoạt tại tốc độ mong muốn, người lái không cần phải đạp vào bàn đạp ga để duy trì tốc độ, mà hệ thống kiểm soát hành trình sẽ chủ động giữ chân ga, thông qua điều kiển tự động góc mở bướm ga. Điều này giúp cho việc di chuyển trên các cung đường trường, quốc lộ hoặc đường cao tốc được thoải mái và người lái cũng rảnh chân hơn. Từ đó hạn chế được các mệt mỏi do lái xe suốt một chặng đường dài.
Trên các mẫu xe hạng sang cao cấp, hệ thống này còn được nâng cấp thêm một bậc với tính năng hạn chế tốc độ. Xe sẽ chủ động hạn chế tốc độ mỗi khi xe đi xuống dốc với Cruise Control đã kích hoạt. Ngoài ra, chúng ta có thể thiết lập tốc độ giới hạn để không vi phạm lái xe quá tốc độ cho phép, khi di chuyển trong khu vực đông dân cư.
Một số xe ô tô hiện đại còn có hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng Adaptive Cruise Control, tự động giảm tốc độ khi có phương tiện di chuyển chậm hơn phía trước và tăng tốc trở lại khi xe phía trước di chuyển với tốc độ nhanh hơn.
Sử dụng kiểm soát hành trình có tiết kiệm xăng không?
Trong nhiều trường hợp, việc sử dụng hệ thống kiểm soát hành trình thực sự có thể tăng mức tiết kiệm nhiên liệu của ô tô lên tới 5-15%. Xe tiêu hao nhiên liệu lớn nhất trong quá trình tăng tốc nên cách tốt nhất để đạt được mức tiết kiệm nhiên liệu tối đa là duy trì tốc độ.
Điều này khá khó để làm được nếu chỉ sử dụng bàn đạp như thông thường. Tuy nhiên, xe có thể dễ dàng duy trì tốc độ đã định sẵn thông qua việc sử dụng hệ thống kiểm soát hành trình. Trong nhiều trường hợp, thậm chí sự chênh lệch tốc độ phát sinh lúc lên dốc hoặc xuống dốc là khá nhỏ khi sử dụng hệ thống kiểm soát hành trình.
Khi nào không nên sử dụng kiểm soát hành trình?
Không nên sử dụng hệ thống kiểm soát hành trình khi lái xe trong điều kiện trơn trượt. Điều này là do lái xe trong những điều kiện kém lý tưởng như trời mưa có thể gặp những tình huống bất ngờ cần người lái ứng phó ngay lập tức.
Việc sử dụng hệ thống điều khiển hành trình cũng không được khuyến khích khi người lái đang buồn ngủ hoặc trong tình trạng tắc đường. Sử dụng hệ thống kiểm soát hành trình khi mệt mỏi giúp giảm bớt nhu cầu tập trung vào nhiệm vụ duy trì tốc độ nhưng thường làm trầm trọng thêm tình trạng buồn ngủ.
Tương tự như vậy, việc lái xe khi giao thông tắc nghẽn cũng đòi hỏi người lái cần có mức độ tập trung cao hơn nên tránh dùng điều khiển hành trình.
Theo Thu Hà (Cartimes.vn)