Phanh khẩn cấp tự động dần bắt buộc trên thế giới, bị lãng quên ở VN

27/05/2019 11:20:00

Phanh tự động khẩn cấp, một công nghệ quan trọng có thể giúp giảm đáng kể các vụ tai nạn giao thông, đồng thời hỗ trợ cho tương lai xe tự lái, đang bị bỏ quên ở Việt Nam.

Bài viết của ông Nguyễn Trọng Hiếu - Tiến sĩ cơ khí ôtô, về những khác biệt của công nghệ an toàn chủ động trên ôtô trên thế giới và tại Việt Nam.

Tôi không muốn nói rằng thị trường xe hơi ở Việt Nam đang bị cắt giảm những công nghệ an toàn tiên tiến trên thế giới, để tối ưu lợi nhuận. Nhưng có vẻ sự thật đang là như vậy. Phanh tự động khẩn cấp, một công nghệ quan trọng có thể giúp giảm đáng kể các vụ tai nạn giao thông, đồng thời hỗ trợ cho tương lai xe tự lái, đang bị bỏ quên ở Việt Nam.

Phanh khẩn cấp tự động dần bắt buộc trên thế giới, bị lãng quên ở VN
Châu Âu yêu cầu các xe mới phải có hệ thống phanh khẩn cấp tự động. Ảnh: Euro NCAP.

40 quốc gia do Nhật Bản và Liên minh châu Âu dẫn đầu, không bao gồm Mỹ và Trung Quốc, mới đây đã cùng nhau thống nhất ra yêu cầu đối với những chiếc ôtô mới được sản xuất phải được trang bị hệ thống phanh khẩn cấp tự động vào năm tới.

Quy định yêu cầu tất cả các phương tiện được bán ra tại quốc gia trên phải được trang bị công nghệ mà theo đó các cảm biến sẽ theo dõi xác định khoảng cách của người đi bộ hoặc đối tượng tham gia giao thông với phương tiện. Từ đó, hệ thống phanh khẩn cấp tự động có thể tự động kích hoạt phanh nếu ECU dự báo va chạm có thể sắp xảy ra và người lái không thực hiện trình điều khiển phương tiện kịp thời.

Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ là thành viên của Diễn đàn Hoa Kỳ, họ đã thông qua một số các quy định mới. Tuy nhiên, họ đã không tham gia vào các cuộc đàm phán với 40 quốc gia nói trên, vì muốn đảm bảo rằng các quy định quốc gia của họ được ưu tiên hơn.

Phanh khẩn cấp tự động dần bắt buộc trên thế giới, bị lãng quên ở VN - 1
Phanh khẩn cấp tự động sẽ giảm đáng kể va chạm với phương tiện phía trước, dù là ôtô, người đi xe đạp hay đi bộ. Ảnh: Global NCAP.

Trước đó từ năm 2016, 20 nhà sản xuất ôtô đã đạt được thỏa thuận với chính phủ Mỹ về việc trang bị phanh khẩn cấp tự động lên tất cả các phương tiện được sản xuất mới vào tháng 9 năm 2022, nhưng việc tuân thủ những quy định này chưa có tính bắt buộc.

Báo cáo mới nhất về công nghệ an toàn của Cục Quản lý An toàn Giao thông Cao tốc Mỹ (National Highway Traffic Safety Administration)từ năm 2017 cho biết: "4 trong số 20 nhà sản xuất ôtô như Tesla, Mercedes-Benz, Toyota và Volvo đã thực hiện tiêu chuẩn trang bị phanh khẩn cấp tự động trên hơn một nửa số xe của họ". Dữ liệu từ ngành bảo hiểm của Viện Dữ liệu Tổn thất Đường cao tốc (Highway Loss Data Institute) cho thấy có 28% các mẫu xe tại Mỹ đã có hệ thống phanh khẩn cấp tự động tiêu chuẩn, 36% trang bị hệ thống này như là một tùy chọn.

Mỹ tất nhiên không phải nơi duy nhất trên thế giới thực hiện điều này một cách nghiêm túc. Tại Nhật Bản, nơi 4 triệu ôtô và xe thương mại hạng nhẹ đã được bán vào năm 2018 có trang bị hệ thống phanh khẩn cấp tự động, việc bắt buộc trang bị công nghệ này sẽ có hiệu lực vào năm 2020. Ông Jean Rodriguez, phát ngôn viên của Ủy ban Kinh tế Liên Hợp Quốc ở Châu Âu (United Nations Economic Commission for Europe - UNECE) cho biết, Liên minh châu Âu và một số nước láng giềng gần nhất dự kiến sẽ thực hiện việc phổ cập hệ thống phanh khẩn cấp tự động vào năm 2022.

Phanh khẩn cấp tự động dần bắt buộc trên thế giới, bị lãng quên ở VN - 2
Từ năm 2016, 20 nhà sản xuất ôtô đã đạt được thỏa thuận với chính phủ Mỹ về việc trang bị phanh khẩn cấp tự động lên tất cả các phương tiện được sản xuất mới vào tháng 9 năm 2022. Ảnh: Global NCAP.

Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đã đồng ý với thỏa thuận này muốn chủ động hơn trong việc kiểm soát các vụ tai nạn trên đường, đặc biệt là ở các khu vực đô thị nơi có nhiều chướng ngại vật như người đi bộ, xe máy, xe đạp và những chiếc xe khác có khoảng cách rất gần nhau. Cơ quan này đã chỉ ra hơn 9.500 trường hợp tử vong trên đường ở EU vào năm 2016 và Ủy ban EU ước tính rằng các hệ thống phanh có thể giúp cứu sống hơn 1.000 người mỗi năm trong khối.

Còn Việt Nam, nơi có hơn 3 triệu chiếc ôtô đang lưu hành thì hàng năm có số vụ tai nạn giao thông luôn ở mức báo động. Mới đây nhất, hàng loạt vụ "xe điên" xảy ra do một số lái xe không kiểm soát được phương tiện, gây ra những tai nạn thương tâm gây bức xúc dư luận xã hội. Vậy nên chăng ngoài những biện pháp nâng cao ý thức của người điều khiển phương tiện, còn cần có những giải pháp kỹ thuật khác nhằm tăng tính an toàn của xe.

Phanh khẩn cấp tự động dần bắt buộc trên thế giới, bị lãng quên ở VN - 3
Tại Việt Nam, các mẫu xe hạng sang cũng bị cắt hệ thống phanh khẩn cấp tự động. Ảnh: safetynews.

Trên các dòng xe đang được bán tại Việt Nam, các hãng xe thường đưa ra thị trường những chiếc xe trang bị những công nghệ an toàn cơ bản như: Hệ thống phanh ABS, Hệ thống trợ lực phanh khẩn cấp BA, Túi khí... Công nghệ an toàn mới nhất được trang bị rộng rãi trên các mẫu xe mới là Cân bằng điện tử ESP, thứ đã được phổ cập từ rất lâu trên các mẫu xe bên ngoài Việt Nam. Còn các hệ thống an toàn khác như: Hệ thống cảnh báo va chạm trước, Phanh khẩn cấp tự động... vẫn còn là những thứ xa xỉ.

Đây là điều đáng tiếc, khi dường như tính năng an toàn đang không được đánh giá đúng mức tại Việt Nam, dù ở đây các mẫu xe sang, xe siêu sang không hề hiếm gặp. Có không ít các mẫu xe có giá hơn 1 tỷ đồng, vốn có hệ thống phanh khẩn cấp tự động là trang bị tiêu chuẩn tại thị trường nước ngoài, nhưng thậm chí không xuất hiện dưới dạng tùy chọn tại thị trường Việt Nam.

Trên một số mẫu xe, tính năng này được các hãng đưa vào tuỳ chọn, phụ thuộc vào kinh tế của mỗi khách hàng. Do giá xe cao và một số chủ phương tiện chưa nhận thức được vai trò của các thiết bị an toàn trang bị trên xe nên chưa thực sự đầu tư trang bị cho phương tiện của mình.

Công nghệ sinh ra để phục vụ con người. Chiếc xe sinh ra là để đưa con người di chuyển từ nơi này sang nơi khác một cách an toàn nhất. Những công nghệ an toàn xứng đáng được ưu tiên hàng đầu, để mỗi lần ra đường không còn là một lần sợ hãi, dù bạn đi bằng phương tiện nào.

Theo Nguyễn Trong Hiếu (Tri Thức Trực Tuyến)