Có thể nói từ năm 2017 tới nay, hệ thống phanh ABS là một trong những tính năng được các thương hiệu sản xuất xe máy nhắc tới nhiều nhất trong 2 năm trở lại đây, như Piaggio, Honda, Yamaha, Suzuki. Nhưng tiên phong trong lĩnh vực mang "bùa hộ mệnh ABS" lên xe tay ga tại Việt Nam không ai khác chính là thương hiệu đến từ xứ sở mỳ ống.
Tại đất nước nhiệt đới gió mùa như Việt Nam (và nhiệt đới ở miền Nam) thì hệ thống phanh ABS thực sự là trang bị đáng giá vì thường xuyên có những mùa mưa bão kéo dài và không ít tai nạn xảy ra do đường trơn trượt.
Vai trò quan trọng của hệ thống ABS trên xe máy tại Việt Nam
Xe máy, đặc biệt là các dòng xe tay ga hiện nay đều sử dụng phanh đĩa như là một trang bị an toàn giúp dừng xe tốt trong những trường hợp khẩn cấp.
Tuy nhiên phanh đĩa, với cấu tạo của mình khi phanh gấp gây tình trạng bó cứng (tức là bánh xe ngay lập tức dừng quay), trên một số điều kiện đường như đường trơn ướt sau những cơn mữa dễ gây tình trạng trượt dài, nhẹ thì khiến người lái mất cân bằng, nặng thì có thể bị lộn đầu, lật xe hoặc thậm chí là nổ lốp do ma sát với mặt đường quá lớn. Nhưng với hệ thống ABS (Anti-lock Braking System: hệ thống chống bó cứng phanh) được sinh ra sẽ khắc phục tình trạng này.
Được phát minh năm 1920, sau đó nó mới được sử dụng trên máy bay và ô tô và tới tận năm 1988 ABS mới bắt đầu được áp dụng trên chiếc mô tô đầu tiên. Hiện nay, hầu hết các dòng xe mô tô phân khối lớn, và một số dòng tay ga hiện đại tại thị trường Việt Nam đã được trang bị tính năng này.
Phanh ABS có vai trò rất lớn trong sự đảm bảo an toàn khi di chuyển bằng xe máy, đặc biệt với chị em phụ nữ - những người thường có tâm lý không vững trong trường hợp khẩn cấp khiến tay cứ bóp chặt phanh. Cơ chế bóp nhả liên tục và điều chỉnh tốc độ quay giúp vừa đảm bảo khoảng cách dừng xe, vừa không gây tình trạng bó cứng, đảm bảo an toàn cho người sử dụng hơn.
Tại sao không trang bị ABS cho tất cả xe máy trên thị trường?
Đây là câu hỏi được khá nhiều người đặt ra, và thậm chí nhiều người còn có nhu cầu đi "độ phanh ABS" cho xe máy của mình. Tuy nhiên trên thực tế thì để sử dụng phanh ABS thì xe máy cũng cần đáp ứng một số nhu cầu nhất định.
Trên thực tế, để đáp ứng an toàn, ABS là một hệ thống bao gồm ECU điều khiển, các cảm biến điện tử, hệ thống truyền thông tin... do đó nó không những làm tăng khối lượng xe mà còn tăng giá thành xe. Tùy các hãng sản xuất khác nhau với trình độ kỹ thuật hoàn thiện hay không mà mức giá để trang bị hệ thống trên xe máy có thể khiến cho giá xe tăng từ 2 triệu tới hàng chục triệu đồng. Ví dụ như Honda PCX được trang bị ABS đắt hơn 1,5 triệu đồng so với PCX phiên bản thường, nhưng giá Piaggio Liberty ABS lại không hề đắt hơn so với Liberty phiên bản phanh thường, thậm chí các mẫu Piaggio Medley 2018 ABS, hay Vespa thế hệ mới đều sử dụng hệ thống phanh ABS nhưng giá cũng không đắt hơn.
Bên cạnh sự ảnh hưởng của giá thành thì điều kiện để sử dụng phanh ABS cũng không mang tính đại trà như phanh đĩa, phanh tang trống. Cụ thể, phanh ABS chỉ thực sự cần thiết đối với các dòng xe máy có dung tích xy lanh từ trên 125cc. Nguyên nhân là do những xe có dung tích xy lanh nhỏ hơn có tốc độ tối đa chưa đủ để có thể gây nên tình trạng bó cứng phanh, khi đó, trang bị phanh ABS cho xe là một sự lãng phí.
Ngoài ra, một số xe máy, chủ yếu thuộc dòng cruise - với khách hàng chú ý khá nhiều tới mặt thẩm mỹ thì ABS cũng không được ưa chuộng vì nó khiến cấu trúc xe trở nên nặng nề và không thẩm mỹ.
Tuy nhiên, đối với các dòng xe máy, đặc biệt là xe tay ga với dung tích xy lanh từ 125cc trở lên thì chắc chắn phanh ABS sẽ là một trang bị tuyệt vời cho người dùng.
Theo Mộc Lam (Dân Việt)