Phẫn nộ câu nói 'Thà đền một lần còn hơn nuôi suốt đời' của giới tài xế xe tải

31/08/2024 07:28:36

Câu nói “Thà đền một lần còn hơn nuôi suốt đời” phản ánh sự tàn nhẫn và vô nhân tính của một số tài xế khi đối diện với tai nạn giao thông.

Trong giới tài xế tại Việt Nam, có một câu nói được truyền miệng rằng: “Thà đền một lần còn hơn nuôi suốt đời”. Đây là quan điểm của một số tài xế khi đối diện với những tình huống tai nạn giao thông gây ra thương tật cho người khác nhưng chưa dẫn đến tử vong.

Theo họ, việc đền bù một lần duy nhất sau khi gây chết người sẽ dễ dàng và ít phức tạp hơn so với việc phải chịu trách nhiệm tài chính và chăm sóc nạn nhân suốt đời. Nhưng suy nghĩ này, nếu không được phản ánh đúng mực, có thể dẫn đến những hành động vô cùng tàn nhẫn.

Phẫn nộ câu nói 'Thà đền một lần còn hơn nuôi suốt đời' của giới tài xế xe tải
Vụ tai nạn thương tâm tại Đồng Nai hôm 28/8. Ảnh: Hoàng Anh

Vụ tai nạn xảy ra vào ngày 28/8 vừa qua tại Đồng Nai là minh chứng rõ ràng nhất cho suy nghĩ này. Sau khi va chạm và cuốn xe máy cùng nạn nhân xuống gầm, tài xế xe tải Đỗ Minh Tân (28 tuổi, Bến Tre) đã dừng xe lại khoảng 4 giây nhưng thay vì xuống xe và kiểm tra tình hình, kẻ này đã cố tình cán qua nạn nhân thêm một lần nữa, khiến người này tử vong tại chỗ.

Hành động này không chỉ vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng mà còn thể hiện sự vô nhân tính đến mức khó có thể chấp nhận trong xã hội hiện đại. Vụ việc trên đã bị người dân phẫn nộ, lên án kịch liệt và trở thành câu chuyện gây bức xúc trên các phương tiện truyền thông những ngày qua.

Trò chuyện với phóng viên VietNamNet, anh Đặng Toàn (35 tuổi, ngụ Đức Trọng, Lâm Đồng) có thâm niên hơn 6 năm chạy xe hàng chuyến Lâm Đồng-TP.HCM, chia sẻ: "Trong nghề này, ai cũng lo lắng về trách nhiệm pháp lý và tài chính nếu không may gây tai nạn. Nhưng không thể vì thế mà chọn cách hủy hoại cuộc sống của người khác chỉ để giảm bớt gánh nặng cho mình".

Nói về quan điểm của mình, anh Đặng Toàn nhấn mạnh: "Tai nạn là điều xui rủi khi tham gia giao thông và cứu mạng người là điều quan trọng nhất. Với tôi, mọi biện minh hay hành động cố ý giết người đều đáng bị lên án".

Cùng quan điểm với anh Đặng Toàn, ông Trịnh Thành (52 tuổi, Quảng Ngãi) với hơn 20 năm trong nghề lái xe đường dài cũng bày tỏ: "Không ai mong muốn tai nạn xảy ra, nhưng nếu đã xảy ra thì việc đầu tiên là phải cứu người. Cố tình cán chết nạn nhân chỉ để tránh trách nhiệm nuôi dưỡng suốt đời là hành động không thể chấp nhận".

Hành động cố tình cán chết người sau tai nạn không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đi ngược lại các giá trị nhân văn cơ bản. Mỗi con người đều có giá trị và mạng sống không thể bị đánh đổi chỉ vì nỗi lo về trách nhiệm tài chính. Câu nói “Thà đền một lần còn hơn nuôi suốt đời” đã biến thành một bi kịch khi mà đồng tiền và nỗi lo pháp lý đã lấn át lương tâm và đạo đức.

Dù vậy, anh Đặng Toàn cũng chỉ ra rằng, pháp luật Việt Nam hiện đã có những hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với các vụ án tương tự như vụ việc vừa xảy ra ở Đồng Nai. Theo đó, Án lệ số 30/2020/AL của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã đặt ra một tiêu chuẩn pháp lý rõ ràng cho những hành vi cố tình cán chết nạn nhân sau khi gây tai nạn. Theo án lệ này, tài xế có thể bị xử về tội “Giết người” theo khoản 2, Điều 123 với khung hình phạt từ 7-15 năm tù.

Trước đó, đã từng có một vụ án tương tự xảy ra tại Hà Tĩnh vào năm 2016, khi tài xế Phan Đình Q (điều khiển xe BKS 38C-073.05) gây tai nạn với nạn nhân đi xe máy điện. Sau khi dừng xe và xuống kiểm tra, tài xế này đã điều khiển xe tải, tiếp tục chèn qua và khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

Đến năm 2018, thẩm phán Toà án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định, tuyên án Phan Đình Q phạm tội giết người với hình phạt 12 năm tù.

Vụ tai nạn ở Đồng Nai không chỉ là một hồi chuông cảnh tỉnh về sự thiếu nhận thức pháp lý và đạo đức trong giới tài xế, mà còn là lời nhắc nhở cho toàn xã hội về giá trị của mạng sống con người. 

Theo Võ Tâm (VietNamNet)

Nổi bật