Christopher Jensen viết về niềm say mê của những người mê xe cỗ, những cỗ máy thuần cơ khí trên New York Times.
Những chiếc xe luôn luôn khoan dung với chúng ta, ngay cả khi ta mắc những lỗi lầm ngớ ngẩn nhất, như tăng tốc khi vào cua, hành động có thể gây tai nạn bất cứ lúc nào. Nhưng có những tài xế vẫn luôn thích các thử thách và các rủi ro tiềm tàng của những cỗ xe cổ, họ thấy như mình đang có trải nghiệm lái xe thuần tuý hơn cả.
Lái những cỗ xe cũ khiến ta cảm thấy sướng hơn, mặc dù không dễ dàng, Chris Seely, người có chiếc sedan thể thao BMW 2002 đời 1971, gấp đôi tuổi anh, nói. "Cảm giác tay lái chân thực đến nỗi bạn và chiếc xe là một, bất kể khi cua với tốc độ nào đi nữa", Seely, 22 tuổi, sống tại Kirkland, Washington, bày tỏ.
Lái một cỗ máy cũ yêu cầu bạn phải có hiểu biết về điều khiển máy móc, những kiến thức hơi khó tiếp thu trong thời đại ngày nay, nhờ công nghệ ôtô ưu việt, bao gồm các tính năng an toàn như hệ thống cân bằng điện tử, giúp chống trượt bánh và đưa ôtô trở về trạng thái cân bằng.
Nhưng những chiếc xe cũ lại có sự mộc mạc thu hút riêng, không phụ thuộc quá nhiều vào máy tính và "chỉ là kỹ thuật cơ khí đơn thuần", Robert Jones, quản trị viên một trang Facebook dành cho những chủ xe Toyota MR2, mẫu xe thể thao được đông đảo mọi người hâm mộ với động cơ đặt ngay sau hai ghế ngồi, nói.
Jones ngờ rằng hầu hết mọi người không hiểu được sự cuốn hút của một cỗ xe cổ. "Điều này không thể diễn dịch ra được", anh nói. Đó là ngôn ngữ bí mật giữa những người đam mê lái xe.
"Bạn phải có sự tôn trọng đối với chiếc xe ở mức cực kỳ cao", anh nói, "bởi chiếc xe chẳng có gì để cứu bạn cả. Không có hệ thống hỗ trợ kiểu "trông trẻ". Chỉ có bạn với chiếc vô-lăng, bàn chân phải và con đường".
Năm 1969, ôtô không có bản năng tự bảo vệ, khi tôi học được rằng những thứ tồi tệ có thể xảy đến rất nhanh. Với một sự trùng hợp ngẫu nhiên, hiểu biết đó vận vào chiếc Rover 2000 của tôi. Chiếc Rover đó là chiếc xe đầu tiên của tôi, là một món quà của một người bạn, và tôi đã yêu quý nó. Tôi đã nghĩ chúng tôi là bạn. Tôi không bao giờ tưởng tượng được rằng nó lại trở nên căm thù tôi theo nghĩa đen đến vậy.
Vào lúc đó, tôi đang đóng quân ở Fort Hood và tham gia câu lạc bộ xe thể thao Fort Hood. Trong một thế giới toàn xe cơ bắp và bán tải, những người đam mê xe thể thao khá hiếm, cho nên ngay cả chiếc British 1963 kỳ cục, dẫn động cầu sau của tôi cũng được chào đón.
Sự việc không may đó xảy ra trong lần đầu tiên tôi lái xe ở con đường nhỏ, quanh co tại câu lạc bộ. Tôi đang luyện để trở thành một người lái xe vô lăng-bên trái thật thành thạo, nhấc chân ga và nhấn bàn đạp phanh. Đột nhiên chiếc xe quay vòng vòng và tôi đang thụt lùi, lao vụt vào bụi rậm.
Chuyện đó làm tôi choáng váng và trở thành trò cười cho những người còn lại. Tệ hơn nữa là đèn hậu của chiếc xe và hình tượng cá nhân của tôi đã đồng thời sụp đổ hoàn toàn.
Ôtô ở thời đại đó – và hàng thập kỷ sau – thường mang đặc tính ít thân thiện với người lái, chỉ rình khi ta khinh suất, hoặc vụng về, hoặc cả hai.
Trong trường hợp chiếc Rover, tôi phát hiện ra rằng căn nguyên nỗi xấu hổ của tôi nằm ở cái gọi là giảm tốc quá đà (trail-throttle oversteering): dùng phanh (hoặc đôi khi chỉ nới lỏng chân ga) trong quá trình cua sẽ khiến trọng lượng lốp sau nhẹ đi, khiến chúng bị mất lái và làm ôtô quay tròn.
Giảm tốc quá đà không phải chuyện gì xa lạ đối với những mẫu xe dẫn động cầu sau ở những năm 60 và 70. Một tài xế hiểu được nguyên lý này có thể khiến chiếc xe vào cua bén hơn. Bằng cách: Khi vào cua, nới lỏng chân ga để đuôi xe dịch ra bên ngoài đường cua. Cũng có nghĩa là mũi xe nhận sâu hơn vào đường cua. Lấy lại ga để xe không trật hướng. Do vậy giảm tốc quá đà có thiếu an toàn hay không còn phụ thuộc vào sự thành thạo của tài xế.
"Gọi giảm tốc quá đà là tính năng hay là lỗi kỹ thuật chỉ là vấn đề sở thích", Chris Gerdes, giáo sư chế tạo máy và đồng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ôtô tại Đại học Stanford, nơi ông giảng dạy động lực học ôtô, nói.
"Đó là công cụ trong tay của một tài xế lành nghề để điều chỉnh tư thế xe và có khả năng khiến việc vào cua trở nên nhanh hơn một chút", Gerdes nói. "Đó cũng là một ví dụ cho việc, kỹ năng này trong tay những người thành thục thì hữu ích. Còn đối với tay mơ thì nguy hiểm".
Khi phải lựa chọn giữa giúp cho số ít các tài xế thoả mãn đam mê hay là an toàn cho đa số, ngành công nghiệp ôtô ưu tiên phương án an toàn, Gerdes nói.
Nhưng lái những chiếc xe cũ như vậy đi đôi với việc tinh thông thành thạo.
"Các hệ thống hiện đại giúp con người rất nhiều, nhưng trên những chiếc xe cũ, bạn được là tài xế. Bạn là người chỉ huy. Bạn phải biết bạn đang làm gì", Phil Bell, chủ xưởng sửa chữa ôtô ở Bethlehem, New Hampshire, nói. Bell sở hữu bộ sưu tập 28 chiếc ôtô, hầu hết là xe từ những năm 50, 60 và 70. Trong đó có một báu vật hiệu suất cao, phiên bản 1967 Shelby GT500 của Ford Mustang.
Jones, người đàn ông 40 tuổi sống ở Layton, Utah, đã sở hữu và nâng niu một chiếc MR2 Turbo 1991 trong 20 năm. Đối với anh, nó là một người bạn đường hoàn hảo. Được sản xuất giữa các đời 1985 và 2005, chiếc MR2 động cơ đặt giữa được ưa chuộng vì khả năng xử lý nhạy bén của nó. Tuy nhiên, mong muốn tột cùng thành thục kỹ năng trượt vào cua sẽ đi cùng nguy cơ xe bị xoay tít nếu đạp phanh thừa lực.
Hàng ngày, Jones lái một chiếc sedan BMW. Ngoài hệ thống treo được thiết kế hoàn hảo, chiếc xe cũng được trang bị các thiết bị an toàn, bao gồm hệ thống cân bằng điện tử. "Cho nên bạn sẽ có cảm giác như vô địch khi lái chiếc xe đó", anh nói. "Là một tài xế, bạn biết rằng nó sẽ hỗ trợ mình".
Nhưng điều này không đúng với MR2 Turbo của anh.
"Hầu hết bạn sẽ có ấn tượng rằng MR2 thật sự là một chiếc xe hai mặt. Rất khó để điều khiển chiếc xe trong giới hạn", anh nói. "Tôi chưa bao giờ mất lái. Nhưng tôi biết có người sẽ như thế. Tôi để một anh bạn lái chiếc xe, và anh ta trở lại với khuôn mặt trắng bệch "cắt không ra máu" do vừa mất lái. May là anh ấy không bị thương và xe cũng không sao, nhưng anh ta đã tự phụ và cuối cùng mất lái".
Những người đã quen với ôtô và tự tin lái xe khiến Bell trở nên e dè khi ai đó chưa bao giờ lái xe cũ đề nghị lái thử một trong số các xe của anh.
Những chiếc xe cũ không dễ điều khiển như xe mới, nhưng chính điều đó lại thú vị, Seely nói. Chiếc xe hàng ngày anh lái là Audi A4 Avant 2000, có thể tự tin đi rất nhanh qua đoạn cua. Thử làm tương tự trên chiếc BMW là bạn sẽ thấy "vui hết nấc" bởi cảm giác sẽ như thể chiếc xe vượt quá năng lực điều khiển của bạn, anh nói.
"Bạn sẽ có cảm giác kết nối với chiếc xe hơn", anh nói. "Khi bạn đang trên đoạn cua và cảm thấy trọng lượng thay đổi. Nó sẽ năng động hơn. Như thể bản thân chiếc xe đang nói với bạn khi nào thì đi và khi nào thì dừng vậy".
Theo Mai Huyền (VnExpress.net)