Nỗi ám ảnh trên đường và cảm xúc của người được cứu thêm lần nữa
Mới đây, dư luận trong nước không khỏi bàng hàng trước vụ tai nạn trên đường Võ Chí Công (Hà Nội) gây ra bởi xe KIA Forte do một người đàn ông 63 tuổi gây ra, khiến 18 người bị thương. Theo lời khai của tài xế tên Vĩnh, ông này khi tới nút giao đạp phanh thì nhầm thành chân ga khiến chiếc xe mất kiểm soát.
Chưa rõ tính xác thực trong lời khai của tài xế trên nhưng việc nhầm lẫn chân ga, chân phanh với cánh lái xe là không hiếm. Việc này đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó có cả phần chủ quan về trang phục. Dù hậu quả nhẹ hay nặng thì nó vẫn khiến nhiều người cảm thấy ám ảnh khi đã trải qua.
Bên cạnh sự cố như nhầm chân phanh thì việc tham gia giao thông ở Việt Nam cũng tiềm ẩn những nguy cơ rất cao từ sự đi lại cẩu thả của không ít người sử dụng xe máy. Mặc dù vậy, có những tình huống như “trời cứu” do chiếc xe được trang bị công nghệ an toàn tự động.
Trên mạng xã hội từng chia sẻ 2 tình huống ô tô “tự phanh” mà người xem cảm giác như nếu không có thì hậu quả chẳng biết đâu mà lường.
Ở tình huống đầu tiên xảy ra vào ngày 9/4/2022, một chiếc Volvo XC60 khi đi trên đường Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội) thì bất ngờ cháu bé đi xe điện phía trước ngã ra giữa đường do gặp xe máy lao ra từ trong ngõ. May mắn, chiếc xe Volvo đã tự đánh lái tránh và phanh lại.
Trước đó, cũng chính chiếc xe này đã ra tay cứu chủ một bàn thua trông thấy vào ngày 20/2/2020 khi di chuyển trên một cây cầu cạn ở Hà Nội. Thời điểm này buổi sáng giờ cao điểm rất đông xe máy đi sát ô tô Volvo, thì bất ngờ từ giữa đám đông, một chiếc xe máy ngã ra đường kéo theo hai xe nữa cùng ngã, trong đó có chiếc xe chở hai người ngã ngay trước mũi ô tô. Rất nhanh, xe ô tô đã tự động phanh và dừng xe ngay lập tức.
Không chỉ những xe châu Âu đắt tiền như Volvo có những màn cứu thua được ghi lại như trên mà hiện nay nhiều dòng xe giá trên dưới 1 tỷ đồng đã có tính năng phanh tự động, cứu nguy cho chủ xe như Mitsubishi Triton, Honda CR-V, Toyota Corolla Cross…
Công nghệ giúp tài xế Việt ngăn chặn thảm họa
Tình huống xe Volvo tự phanh, tự đánh lái ở trên đó chính là kết quả của công nghệ ADAS (viết tắt của Advanced Driver-Assistance System), tức là hệ thống hỗ trợ người lái tiên tiến, không chỉ Volvo mà nhiều hãng xe khác đang theo đuổi.
ADAS gồm một tổ hợp các công nghệ an toàn, sử dụng camera, radar và các cảm biến để báo trước cũng như hỗ trợ tài xế tránh hoặc giảm thiểu rủi ro va chạm như: Cảnh báo điểm mù, cảnh báo lệch làn, hỗ trợ giữ làn, phanh khẩn cấp, cảnh báo phương tiện cắt ngang phía sau...
Mỗi hãng xe lại có một tên gọi khác nhau cho loại công nghệ thông minh này. Volvo gọi gói ADAS của mình là City Safety, Mercedes gọi là Driver Pilot, Honda có Sensing, Toyota có Safe Sense...
City Safety hiện được trang bị trên toàn bộ các xe Volvo bán ở Việt Nam như Volvo S60, Volvo XC90, Volvo XC40. City Safety (được dịch là An toàn nội đô) ra mắt vào năm 2008. Thời điểm đó, không có mấy mẫu xe trên thị trường có khả năng tự phanh hoặc đi chậm lại để tránh va chạm với xe trước, người đi bộ và thậm chí cả động vật băng qua đường. Theo thời gian, City Safety ngày càng được nâng cấp và thông minh hơn.
Hệ thống City Safety sẽ tính toán 50 lần mỗi giây để xác định tốc độ, vị trí của vật di chuyển phía trước. Nếu nhận thấy mối nguy hiểm tiềm tàng và người lái không kịp thời phản hồi thích ứng, City Safety sẽ xác định tình huống đó thuộc loại "va chạm chắc chắn sẽ xảy ra" và tự động phát tín hiệu cảnh báo, đồng thời kích hoạt phanh khẩn cấp và hỗ trợ đánh lái để tránh tránh va chạm.
Bên cạnh City Safety, Volvo cũng sớm sử dụng thép siêu cường AHSS và thép boron cấu thành nên 40% khung xe tạo ra một khoang cabin cứng cáp, đồng thời dùng đệm lò xo tích hợp trong ghế ngồi để giảm thiểu tới 30% lực tác động theo chiều dọc vào xương sống hành khách trên xe và rất nhiều công nghệ an toàn thụ động khác.
Cùng với đó, hãng xe Thụy Điển đã và đang tự phát triển các phần mềm và thế hệ xe điện tiếp theo của mình trên hệ điều hành riêng có tên VolvoCars.OS, giúp dễ dàng bổ sung các tính năng mới cũng như phát triển công nghệ an toàn theo thời gian.
Không riêng xe sang như Volvo, người Việt gần đây cũng đã dần tiếp cận các các công nghệ an toàn chủ động phòng tránh va chạm đến từ những hãng xe bình dân. Điển hình như Toyota Safety Sense có sẵn trên những Corolla Cross, Hilux, Fortuner; Honda Sensing trên CR-V, HR-V hay SmartSense trên các mẫu Hyundai Santa Fe, Tucson...
Dù còn một vài bất tiện do chưa quen với thao tác xử lý quá nhanh do ô tô "quá thông minh", thậm chí bị xe máy phía sau đâm phải vì dừng đột ngột, nhưng nhiều chủ xe phải thừa nhận nếu không có hệ thống tự phanh, tự đánh lái thì có thể hậu quả sẽ lớn hơn rất nhiều.
Anh Đào Quang Tú, một người dùng xe Honda CR-V có sẵn gói Honda Sensing ở Hà Nội cho biết: "Hồi mới mua xe, tôi đã phải đi sơn lại cản sau do bị xe máy húc phải, do xe dừng đột ngột khi phía trước có một chiếc xe máy đang lao chéo từ bên đường tới. Sau này tôi mới biết nếu mình không có thao tác dự phòng xử lý thì máy tính trên xe sẽ can thiệp, tự phanh. Do đó để chủ động tránh bất ngờ ở những tình huống như vậy, tôi sẽ phải rà nhẹ chân phanh để xe tự hiểu tôi có phản ứng trước cảnh báo mất an toàn, sẽ không can thiệp phanh nữa".
Theo Đình Quý (VietNamNet)