Đầu tháng 12, Ford Việt Nam có công văn gửi các đại lý để thông báo tới khách hàng về việc cắt đơn đặt hàng tháng 1 và tháng 2 cho hai dòng xe Ranger và Explorer. Hợp đồng chỉ ký khi có xác nhận về nguồn cung từ Ford Việt Nam. Hãng xe Mỹ cũng chưa biết khi nào sẽ có xe trở lại. Lý do Ford đưa ra là vì vướng mắc của Nghị định 116.
Trước đó, Chính phủ ban hành Nghị định 116 quy định về điều kiện kinh doanh ôtô, trong đó có những rào cản cho xe nhập khẩu, ngay cả chính hãng. Hai điểm khó khăn nhất là (1) Hãng cần có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cơ giới do nước ngoài cung cấp và (2) mỗi lô hàng đều phải lấy ra một xe để kiểm định.
Điều kiện (1) khó khả thi bởi lẽ có nhiều nước trên thế giới không cung cấp loại giấy tờ này cho xe xuất khẩu, giống như việc Cục đăng kiểm Việt Nam chỉ kiểm định cho xe lưu hành trong nước, không có thẩm quyền cấp cho xe xuất khẩu.
Điều kiện (2) làm tăng chi phí và thời gian nằm chờ xe. Mỗi xe kiểm định tốn khoảng 100 triệu, thời gian có thể từ vài tuần tới 2 tháng. Xe lâu được giao sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ của hãng.
Giống như Ford, Honda Việt Nam cũng cho biết hiện tại chưa thể nói trước về thời điểm những lô CR-V tiếp theo về nước. Đại diện hãng cho biết, nếu những quy định chi tiết tại Nghị định 116 được làm rõ ngay cuối 2017, khi đó hãng sẽ đặt hàng nhà máy ở nước ngoài, vận chuyển, làm thủ tục xuất, nhập khẩu, thông quan, ít nhất đầu tháng 3/2018 mới có hàng.
Trong khi đó, Toyota cũng chưa thể đưa về Wigo hay Fortuner bản máy dầu, một cầu, số tự động vào đầu 2018. Thời điểm ra mắt xe đẩy lùi vài tháng. Các hãng xe nhập khẩu khác cầm chừng bằng cách túc tắc bán những xe đã nhập trước 1/2018.
Cứu cánh mà các hãng đang trông chờ là Dự thảo Thông tư mới của Bộ Giao thông vận tải, hướng dẫn chi tiết kiểm tra kỹ thuật đối với xe nhập khẩu thuộc đối tượng của Nghị định 116.
Nghị định viết Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại do "cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài" cấp nhưng không làm rõ là những cơ quan nào. Dự thảo mới định nghĩa chi tiết có ba loại tổ chức thuộc nhóm này là (1) cơ quan được giao cấp chứng nhận chất lượng kiểm loại, (2) cơ quan thuộc chính phủ phụ trách lĩnh vực xe cơ giới như Thailand DTL, Japan MLIT và (3) cơ quan, tổ chức bên ngoài nhưng được chính phủ uỷ quyền hoặc thừa nhận theo các theo Hiệp định quốc tế đã ký kết (Hiệp định 1958 về tiêu chuẩn kỹ thuật ô tô). Ví dụ: trung tâm thử nghiệm TUV, UK VCA, Germany KBA.
Với nhiều loại tổ chức được quy định, cơ hội để các hãng xe nhập khẩu có được Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại sẽ mở rộng hơn, trong đó loại (3) mang nhiều tiềm năng hơn vì có thể loại (1) và (2) cũng không có thẩm quyền cấp cho xe xuất khẩu.
Nếu được cởi trói khỏi quy định về Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại, ôtô nhập khẩu mới có hy vọng về nước. Các hãng đều tỏ ra mông lung và cho biết mọi tính toán kế hoạch cho năm mới đều phải dời lại chờ chính sách.
Trong khi đó, khách hàng lại tỏ ra lo ngại về việc giá xe nhập khẩu có thể tăng vì khan hàng. Các hãng trấn an khách hàng rằng trường hợp này khó xảy ra bởi lẽ lượng người cần mua xe ngay trong năm nay là số ít, phần đông đều xác định chờ sang 2018. Tuy vậy các chuyên gia nhận định không loại trừ khả năng giá sẽ tăng nhẹ do thiếu nguồn cung ở một số mẫu xe nhập khẩu vốn có doanh số cao.
Thị trường ôtô Việt Nam cuối 2017 khác biệt so với những năm trước khi không sôi động như thường thấy. Doanh số toàn ngành giảm, giá xe liên tục giảm sâu nhưng khách hàng vẫn không mặn mà. Người mua chờ đợi vào một năm 2018 với những đột phá về giá. Hiện có một số hãng như Toyota, Trường Hải, Hyundai Thành Công đã công bố giá cho 2018 với mức giảm không đáng kể so với cuối 2017.
Theo Đức Huy (VnExpress.net)