Xe cũ hỏng nặng, đụng đâu hỏng đó
Trong quá trình sử dụng ô tô, không ít chủ xe vì những lý do khác nhau để lười mang "xế cưng" đi bảo dưỡng định kỳ vì cho rằng việc đưa xe đến gara mất nhiều thời gian, tiền bạc, trong khi xe "vẫn còn đi được".
Chia sẻ với VietNamNet về "ca bệnh" mới đây của mình, kỹ sư Trần Duy Dũng - Giám đốc kỹ thuật Gara ô tô TYD Học viện Kỹ thuật Quân sự (Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, gara của anh vừa tiếp nhận một chiếc xe gần 20 năm tuổi hỏng hóc khá nặng ở rất nhiều bộ phận. Đó là chiếc Daewoo Lacetti Max 1.8 đời 2004 của một khách hàng nam cũng ở tại quận Bắc Từ Liêm.
Theo lời kể của anh Dũng, chiếc Lacetti trên được khách hàng mang đến gara ô tô của anh để bảo dưỡng, sửa chữa, nhưng chưa kịp đến nơi đã chết máy, phải nằm đường. Khi được xe cứu hộ đưa về gara, kiểm tra ban đầu cho thấy nguyên nhân do máy phát nạp yếu nên không đủ điện cung cấp cho ắc-quy để nổ được máy.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là "giọt nước làm tràn ly", chiếc xe sau khi được gara này tháo các bộ phận ra kiểm tra kỹ theo yêu cầu cầu của chủ xe thì còn phát hiện ra hàng tá lỗi nặng khác khiến những người chứng kiến không khỏi hoảng hốt.
Vì không nổ được máy nên thợ của gara phải đóng lại cổ góp máy phát, thay bi, bảo dưỡng máy phát, thay ắc-quy. Khi kiểm tra đến động cơ thì dầu chảy rất nhiều do phớt đầu trục cơ, phớt đuôi trục cơ và phớt láp đã bị rách từ lâu. Bên cạnh đó, thước lái chảy dầu, chân máy, cao su càng, cao su láp đều hỏng nặng.
Nặng hơn, các bộ phận dẫn động động cơ như dây cam, tăng cam, tỳ cam lâu ngày không thay thế và bị dính dầu nên cũng đã không còn hoạt động được,... Đặc biệt là dầu máy gần như cạn kiệt, đông đặc, mất hoàn toàn tác dụng.
"Khi hỏi chủ xe, anh này nói ô tô của mình ít đi nên phải tầm 3-4 năm nay chưa bảo dưỡng sửa chữa cũng như thay thế phụ tùng, dầu nhớt gì. Thực tế là chúng tôi đã làm rất nhiều xe cỏ, nhưng ít khi thấy chiếc xe nào ở trong tình trạng 'đa chấn thương' nặng như thế này", anh Dũng lắc đầu.
'Bỏ thì thương, vương thì tội'
Nhìn thấy sự bần thần của chủ xe với "của nợ" đang nằm trong gara, anh Trần Duy Dũng đã tư vấn kỹ và cố gắng khắc phục các hạng mục quan trọng trước để đỡ tiền sửa. Tuy vậy, hoá đơn sửa chữa sơ bộ cho "La già" cũng đã lên tới 12 triệu đồng.
"Xe hỏng hầu hết các bộ phận, nếu thay thế phụ tùng cùng 1 lúc thì chi phí rất lớn nên chúng tôi thống nhất với khách hàng là xử lý những hạng mục quan trọng trước. Những gì khắc phục được thì tạm dùng cho chủ xe đỡ "sốc".
Xe đụng vào đâu cũng hỏng, nếu thay đầy đủ với các phụ tùng hàng "vừa vừa" của Hàn Quốc cũng phải hết trên dưới 20 triệu, còn nếu đại tu máy sẽ mất thêm khoảng hơn 10 triệu nữa, trong khi đó chiếc xe cùng đời ngon lành trên thị trường chỉ khoảng 50 triệu đồng. Đúng là bỏ thì thương, vương thì tội", kỹ sư Dũng nói.
Chia sẻ thêm về những chiếc "xe cỏ" nhiều năm tuổi, kỹ sư Dũng cho biết, càng xe ít tiền và sử dụng lâu năm thì chủ xe lại càng nên phải chăm bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế phụ tùng định kỳ. Trên thực tế, nhiều chiếc xe đời cũ dù đã 20-30 năm tuổi với số km lên tới 40-50 vạn km nhưng vẫn còn chạy rất tốt. Điều này hoàn toàn đến từ chế độ chăm sóc xe của người sử dụng.
Theo anh Dũng: "Đi xe cũ là mình phải làm bạn với xe, khi thấy xe có hiện tượng bất thường, hư hỏng nên xử lý sớm để tránh kéo theo những hư hỏng khác, đồng thời không bị dồn chi phí sửa chữa vào 1 lúc như trường hợp khách hàng chủ xe Lacetti ở trên. Nếu xử lý triệt để thì sẽ rất tốn kém, gây khó khăn về tài chính, còn nếu xử lý từng phần thì sẽ không dứt điểm được".
Do đó, vị chuyên gia này khuyên các chủ xe nên kiểm tra bảo dưỡng xe định kỳ, theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất. Ngoài ra, nên thay thế phụ tùng, các loại dầu nhớt chính hãng để đảm bảo an toàn và tuổi thọ cho chiếc xe, tránh bị nằm đường bất thình lình hoặc lâm vào cảnh "tiền mất tật mang".
Theo Hoàng Hiệp (VietNamNet)