Trong thời gian giãn cách để phòng chống dịch COVID-19, nhiều chiếc ô tô đã phải nằm im không được sử dụng trong thời gian dài. Tương tự như bất kỳ đồ vật nào, ô tô không được sử dụng thường xuyên sẽ gặp phải những vấn đề ảnh hưởng đến cả thẩm mĩ và vận hành của xe.
Các vấn đề có thể xảy ra khi không sử dụng ô tô dài ngày
Theo lý thuyết, trong thời gian dài không được sử dụng như vài tháng giãn cách, ô tô hoàn toàn có thể gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về kỹ thuật như: Hết điện hoặc chết ắc quy, lốp bị thoái hóa, dầu máy đóng cặn, má phanh dính vào đĩa,...
Đây là điều hoàn toàn dễ hiểu khi chúng đều thuộc dạng vật liệu/nguyên liệu tiêu hao và phải thay thế thường xuyên, nếu không cũng sẽ dần bị hỏng hóc, mất tác dụng.
Trong khi đó, ngoại thất của ô tô cũng dễ bị ảnh hưởng nếu tiếp xúc thời gian dài với ánh nắng chiếu trực tiếp. Nếu đỗ xe ở vị trí không thuận lợi, lớp sơn bên ngoài có thể bị kém đi do nhiều tác nhân khác như: Nước mưa, lá cây, vật cứng,...
Ngoài ra, ô tô có thể trở thành nơi trú ẩn cho các loài côn trùng, chuột hay thậm chí rắn khi đỗ tại chỗ trong thời gian dài, chúng có thể phá hỏng chiếc xe từ bên trong, gây tác hại rất lớn khi xe vận hành trở lại.
Khoang nội thất cũng bị ảnh hưởng rất nhiều nếu lâu ngày không mở cửa, ô tô sẽ tích tụ dần hơi ẩm hiện rõ lên cửa kính, tạo điều kiện cho nấm mốc sinh sôi. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, khoang ca-bin của ô tô còn xuất hiện những mùi khó chịu dù chủ xe đã vệ sinh sạch sẽ trước đó.
Tự bảo dưỡng ô tô sau thời gian dài không sử dụng
Có nhiều cách giúp chủ xe tránh việc ô tô bị ảnh hưởng bởi các vấn đề trên, cũng như có thể tự kiểm tra và bảo dưỡng xe sau thời gian dài không hoạt động. Tuy nhiên, trước hết cần phải thực hiện những biện pháp phòng tránh tác động bên ngoài đến chiếc xe.
Khi lâu ngày không sử dụng, chủ xe nên khởi động động cơ ô tô trong khoảng thời gian từ 15 trở lên và thực hiện mỗi tuần một lần để đảm bảo hoạt động trên xe bình thường, dầu được bơm đều đến các chi tiết và ắc quy được sạc lại điện. Đồng thời, thỉnh thoảng cũng phải di chuyển xe đoạn ngắn, ngắt mở phanh tay để tránh tình trạng lốp và má phanh bị hỏng hóc.
Điều này sẽ giúp hạn chế các hỏng hóc cơ bản của ô tô. Nếu không thực hiện thường xuyên, chủ xe nên chuẩn bị bộ kích điện khi khởi động lại lần đầu sau thời gian dài không sử dụng vì ắc quy có thể hết điện, khiến xe không đề nổ được.
Sau khi sử dụng lại trong thời gian dài, hãy đảm bảo bình xăng còn lượng nhiên liệu đủ để di chuyển quãng đường vài km, sau đó khởi động xe và để máy nổ cho dầu bôi trơn lan tới các bộ phận và kiểm tra lại hoạt động của những thiết bị trên xe, đặc biệt là hệ thống điện.
Chủ xe cũng nên tìm chỗ đỗ xe mát mẻ và có mái che để tránh các tác nhân thiên nhiên ảnh hưởng, hoặc phải phủ bạt để bảo vệ lớp sơn ngoại thất. Ngoài ra, thỉnh thoảng cũng cần kiểm tra kỹ bên trong khoang máy và dưới gầm để chắc chắn không bị rơi vào tính huống oái oăm.
Trong khi đó, trước khi sử dụng lại ô tô sau thời gian dài, chủ xe có thể tự kiểm tra tổng quát xe từ bên ngoài xem có vết xước hay sơn ngoại thất có bị bong tróc hay không, cùng với đó là kiểm tra các chi tiết bề mặt và áp suất lốp xe, bánh mâm, các cụm đèn, phanh xe...
Về phần nội thất, người dùng nên mở cửa ô tô vài ngày một lần để hơi ẩm bay bớt, đồng thời có thể để một số sản phẩm hút hơi ẩm, mùi hôi và tỏa mùi thơm dễ chịu trong thời gian không sử dụng xe. Sau thời gian dài, chủ xe nên thực hiện vệ sinh, hút bụi và khử mùi cho khoang ca-bin đồng thời rửa sạch ngoại thất để xe đạt điều kiện tốt nhất trước khi sử dụng lại.
Hiện tại, cửa hàng sửa chữa ô tô và xưởng dịch vụ của các hãng xe đã mở cửa; sau khi tự bảo dưỡng sơ qua "xế hộp" của mình, chủ xe nên mang đến những cơ sở này để được kiểm tra và chăm sóc tốt nhất. Đồng thời, cũng không quên việc bảo dưỡng định kỳ ô tô về sau./.
Theo CTV Hoàng Phúc (Vov.vn)