Ô tô đang chạy bị chết máy có thể khiến tài xế giật mình, nhiều trường hợp không biết xử lý thế nào. Chia sẻ với VietNamNet, anh Đoàn Quang Trung, chủ gara ô tô Trung Anh (Quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, nguyên nhân chủ yếu đến từ lỗi kỹ thuật của xe và cả cách xử lý của tài xế đối với ô tô, nhất là xe số sàn.
Về cách xử lý của tài xế khi đi xe số sàn, chủ yếu sẽ do quá trình ra vào côn, ga của tài xế chưa hợp lý. Ngoài ra, còn có 7 nguyên nhân liên quan đến việc xe đang chạy bị chết máy nằm ở lỗi kỹ thuật của xe, thường là những xe đã qua nhiều năm sử dụng và ít được chăm sóc bảo dưỡng, anh Trung nói thêm.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các nguyên nhân tạo sao ô tô đang chạy bị chết máy và hướng giải quyết vấn đề này.
1. Cảm biến vị trí trục khuỷu bị lỗi
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến xe bị chết máy khi đang chạy là cảm biến vị trí trục khuỷu bị lỗi. Cảm biến này theo dõi vận tốc và vị trí của trục khuỷu để tính toán thời điểm phun nhiên liệu và đánh lửa tối ưu, giúp động cơ đạt hiệu suất tối ưu.
Khi cảm biến vị trí trục khuỷu bị hỏng, bộ điều khiển động cơ (ECU) sẽ không thể biết được chính xác vị trí pít-tông, khiến xi-lanh bị đánh lửa sai. Một số dấu hiệu khác mà người dùng có thể nhận biết là đồng hồ đo vòng tua máy không hoạt động bình thường, xe tiêu thụ nhiên liệu nhiều hơn, động cơ có thể chạy rất yếu, máy nổ không đều và đèn Check Engine bật sáng.
Cách giải quyết: Sử dụng máy quét OBD và đọc mã lỗi từ ECU. Nếu bạn nhận được mã sự cố chẩn đoán giữa P0335 và P0338, thì cảm biến vị trí trục khuỷu của xe đang gặp sự cố. Mặc dù máy quét OBD có thể không giúp người dùng xác định chính xác vấn đề, nhưng đây vẫn là công cụ tuyệt vời để thu hẹp phạm vi tìm kiếm nguyên nhân.
2. Bộ điều khiển động cơ bị lỗi
Một nguyên nhân khác có thể khiến xe đang chạy bị chết máy và đèn Check Engine bật sáng là do bộ ECU hoặc mô-đun điều khiển động cơ bị lỗi. ECU bị lỗi có thể gây ra tình trạng giảm công suất, tốn nhiên liệu và mất tia lửa điện, khiến xe bị rung giật và động cơ có thể chết máy đột ngột.
Thật không may, việc kiểm tra và kiểm tra ECU của xe không hề dễ dàng. Vì đèn Check Engine bật sáng không có nghĩa là ECU có vấn đề. Dùng máy quét OBD, mã lỗi vẫn có thể không xác định chính xác là ECU bị lỗi.
Cách giải quyết: Lựa chọn duy nhất là người dùng mang xe đến gara ô tô để thợ máy kiểm tra, chẩn đoán ECU bằng các công cụ và phần mềm chuyên dụng.
3. Máy phát điện bị lỗi
Máy phát điện trên ô tô có nhiệm vụ chuyển đổi cơ năng từ động cơ tạo ra nguồn điện để chạy các thiết bị điện khác trên xe như đèn táp lô, đèn trần, điều hòa, dàn âm thanh và để sạc ắc quy. Nếu vì lý do nào đó máy phát điện không hoạt động bình thường, xe sẽ không nhận được nguồn điện cần thiết, dẫn đến tình trạng xe tắt máy khi đang lái xe.
Nếu ắc quy hoạt động bình thường, chiếc xe vẫn có thể chạy trong một thời gian mà không cần máy phát điện. Người dùng có thể không nhận ra ngay xe của mình đang gặp vấn đề gì.
Ắc quy không được thiết kế để cung cấp năng lượng cho toàn bộ xe. Vì vậy, khi ắc quy hết điện, xe sẽ chết máy và cuối cùng tắt máy hoàn toàn. Thế nên hãy kiểm tra ắc quy cùng với máy phát điện theo định kỳ, khoảng 4-6 tháng một lần.
Cách giải quyết: Để kiểm tra máy phát điện, hãy để động cơ chạy không tải, tắt tất cả đèn, hệ thống âm thanh, điều hòa. Thực hiện kiểm tra ắc quy bằng đồng hồ vạn năng. Một máy phát điện tốt sẽ tạo ra từ 13,1-14,6V khi chạy không tải.
Sau đó, bật tất cả các hệ thống điện bao gồm: đèn chiếu sáng, đèn nội thất, radio, cần gạt nước… và kết nối lại đồng hồ vạn năng. Nếu vôn kế hiển thị thấp hơn 13V, điều đó báo hiệu máy phát điện bị lỗi và cần được thay thế. Giá thay mới máy phát điện dao động khoảng 10 triệu đồng.
4. Bình xăng rỗng nhưng đồng hồ đo nhiên liệu bị lỗi
Có không ít tài xế thấy xe của mình tự nhiên tắt máy khi đang lái do hết xăng mà nguyên nhân đến từ đồng hồ đo nhiên liệu của xe bị lỗi và không hiển thị mức nhiên liệu thực tế còn trong bình. Một trong những lý do phổ biến khiến đồng hồ đo xăng bị lỗi do phao xăng bị lỗi.
Cách giải quyết: Nếu người dùng nghi ngờ đồng hồ đo nhiên liệu hoặc cảm biến nhiên liệu có vấn đề, hãy thử đổ một vài lít xăng để xem xe có khởi động lại không. Nếu xe khởi động được thì nghi ngờ đó đã hoàn toàn chính xác.
5. Bơm nhiên liệu bị hỏng
Bơm nhiên liệu thường khá bền nhưng một khi bộ phận này bị hỏng, ô tô sẽ bất ngờ chết máy ngay cả khi đang di chuyển bình thường. Khi điều này xảy ra, xe sẽ không thể khởi động được lại. Hầu hết bơm nhiên liệu đều được lắp bên trong bình nhiên liệu nên người dùng không dễ để kiểm tra.
Cách giải quyết: Một cách nhanh chóng để kiểm tra xem bơm nhiên liệu có thực sự là thủ phạm hay không là dùng chân đá vào bình nhiên liệu. Nếu xe nổ máy, rất có thể bơm nhiên liệu của xe có vấn đề. Trong trường hợp này, người dùng buộc phải đưa xe đến gara để kiểm tra hoặc thay mới.
Giá thiết bị bơm nhiên liệu dao động từ 800.000-3.000.000 đồng.
6. Lọc nhiên liệu bị tắc
Bộ lọc nhiên liệu có nhiệm vụ làm sạch nhiên liệu trước khi nhiên liệu đi vào động cơ. Theo thời gian, nó có thể bị tắc do tạp chất trong bình nhiên cũ, do đó nhiên liệu sẽ không thể đi vào động cơ, khiến xe bị chết máy đột ngột.
Cách giải quyết: Nếu bộ lọc nhiên liệu của xe là giấy, người dùng chỉ cần thay thế nó, vì nó khá rẻ. Nếu bọc nhiên liệu được làm bằng kim loại, người dùng chỉ cần vệ sinh và tái sử dụng. Thời gian thay lọc nhiên liệu ô tô định kỳ là sau mỗi 40.000 km hoặc sau 2 năm vận hành.
7. Bugi đánh lửa bị lỗi
Một thành phần quan trọng khác cho phép động cơ hoạt động là bugi. Chúng là bộ phận giúp tạo ra quá trình đốt cháy hỗn hợp không khí và nhiên liệu trong buồng đốt của động cơ. Mỗi xi lanh có một bugi riêng.
Nếu chỉ có một hoặc hai bugi bị lỗi, người dùng vẫn có thể khởi động xe nhưng hiệu suất động cơ giảm, mất khả năng tăng tốc, động cơ nổ không đều và có tiếng gõ. Nếu nhiều bugi bị lỗi sẽ khiến động cơ chết máy khi xe đang chạy.
Cách giải quyết: Khi bị hỏng, bugi sẽ phồng rộp do chạy quá nóng hoặc đầu bộ phận đánh lữa bị phủ một lớp như muội than. Khi đó, người dùng sẽ phải thay mới.
Theo khuyến cáo, bugi nên được vệ sinh mỗi 20.000km và nên thay mới tối đa sau 100.000km. Giá bugi hiện nay dao động từ 200.000-300.000 đồng/chiếc.
Cần làm gì khi xe đang chạy bị chết máy?
Anh Đoàn Quang Trung cho rằng việc xe chết máy khi đang lái có thể gây ra những tình huống nguy hiểm khi đang lái xe với tốc độ cao hoặc trên đường cao tốc có nhiều phương tiện lưu thông xung quanh. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như các phương tiện khác trên đường, hãy xử lý tình huống theo các bước dưới đây :
- Điều đầu tiên tài xế cần làm là cố gắng không hoảng sợ và lái xe táp vào lề đường. Lưu ý rằng chiếc xe sẽ mất khả năng phanh và vô lăng có thể khóa cứng, nhưng đây là hành động duy nhất mà tài xế phải xử lý.
- Khi xe đã dừng lại an toàn bên lề đường, bước tiếp theo là kiểm tra xem xe có thể khởi động lại được không, để ít nhất có thể lái xe đến gara sửa chữa ô tô gần nhất.
- Nếu không thể khởi động lại xe, tài xế cần sử dụng đèn khẩn cấp hazard để thông báo cho những người lái xe khác biết rằng xe của mình đang gặp vấn đề. Điều này sẽ giúp tài xế an toàn trong khi tìm hiểu các bước xử lý tiếp theo.
- Cuối cùng, nếu không có ai có thể giúp đỡ mình, tốt nhất là tài xế nên gọi dịch vụ cứu hộ để đưa xe về gara sửa chữa ô tô gần nhất.
Ngoài ra, vị chủ gara sửa chữa ô tô này cũng đưa ra lời khuyên tới các chủ xe cần chú ý đến quy trình bảo dưỡng do nhà sản xuất ô tô khuyến nghị. Sự tuân thủ này góp phần đảm bảo giữ cho chiếc xe trong tình trạng hoạt động ổn định, hiệu quả và an toàn trong mỗi chuyến đi.
Theo Ngô Minh (VietNamNet)