Giữa tháng 7, miền Trung Trung Quốc đã đón trận mưa bão chưa từng ghi nhận trong "nghìn năm" qua khiến các thành phố hiện đại ở nước này ngập tràn trong bùn lũ. Một hình ảnh khó có thể quên là chiếc tàu điện ngầm ngập nước, những chiếc ô tô "bò" trên dòng lũ trong khi những chiếc khác đã trôi lềnh bềnh về cuối đường.
Trong khi thị trường Việt Nam đang bắt đầu "mở lòng" với xe Trung Quốc những tháng qua, hình ảnh này dấy lên những lo ngại: liệu xe ô tô Trung Quốc bị ngập nước này có được "mông má" lại để "lướt" về Việt Nam như xe mới và được bán với giá... siêu rẻ hay không?
Anh Quang - chủ một cơ sở sửa chữa chuyên xe Trung Quốc tại Hà Nội - cho biết, khả năng này rất khó xảy ra.
Trước hết, các xe ngập nước ở Trung Quốc không bị thu dọn vào bãi xe cũ như sắt vụn và được bán về Việt Nam với giá "đồng nát" như nhiều người nghĩ.
Trong trường hợp thiên tai như vậy, hãng xe sẽ nhận lại các xe này về nhà máy để sửa chữa trong khi các chi phí sẽ là việc thỏa thuận của hãng xe với nhà bảo hiểm.
Thứ hai, việc nhập khẩu xe đã qua sử dụng từ Trung Quốc về Việt Nam phải chịu thuế rất cao, giá trị sau thuế gấp 3 lần giá trị xe. Đặc biệt là việc nhập xe đã qua sử dụng sẽ phải chịu sự kiểm tra, kiểm định rất gắt gao của cơ quan Hải quan và không phải trường hợp nhập khẩu phương tiện đã qua sử dụng nào cũng có thể "lọt cửa".
Vừa chịu thuế cao, vừa rủi ro qua cửa hải quan, dường như khó ai nghĩ được đến việc nhập khẩu các xe ngập nước về được Việt Nam.
Một lý do nữa, theo anh Quang, là thực tế tư duy của người Việt Nam về xe Trung Quốc vẫn rất "nhạy cảm" nên khả năng bán được những chiếc xe Trung Quốc đã sử dụng, lại còn bị ngập nước dường như là... 0%.
Theo chia sẻ của anh Hoàng, chủ một gara ô tô tại Cầu Giấy, Hà Nội, anh chưa từng chứng kiến chiếc xe Trung Quốc bị thủy kích nào đến sửa chữa hay mông má, dù công việc này anh đã thường xuyên làm cho khách hàng sử dụng các dòng xe Hàn Quốc, Nhật Bản.
"Khách hàng có thể muốn sửa chữa xe bị thủy kích nặng để bán lướt chứ không tiếp tục sử dụng. Nếu sửa chữa để bản thân họ đi, họ sẽ gật đầu mọi phương án sửa chữa mà nhân viên kỹ thuật đưa ra bởi đó là các tư vấn tốt nhất cho phương tiện của họ. Nhưng nếu khách chỉ sửa các phần ngoài, không sửa cho 'hết bệnh' thì có thể họ chỉ muốn bán lướt cho những người không có kinh nghiệm mua xe cũ" - anh Hoàng cho hay.
Chủ gara này cho biết, những năm trước, từng có những khách hàng đến đây gặp tình trạng mua phải xe thủy kích mà không có tay nghề để kiểm tra.
Thủy kích là sự cố rất dễ xảy ra khi lái xe thiếu kinh nghiệm (đặc biệt là xe gầm thấp như sedan) đi qua vùng nước ngập. Khi nước tràn vào trong động cơ mà lái xe cố tình khởi động máy sẽ dẫn tới việc nước tràn vào cổ hút gió của động cơ, tạo lực ép lớn làm cho tay biên piston bị gãy, biến dạng, từ đó làm hỏng trục cơ, thủng vỡ lốc máy khiến động cơ ô-tô hỏng nặng.
Tùy từng trường hợp xe bị thủy kích nặng hay nhẹ mà các kỹ thuật viên có cách kiểm tra và đưa ra chi phí sửa khác nhau. Trong trường hợp xe bị thủy kích nặng, các kỹ thuật viên sửa chữa xe sẽ xem kĩ gioăng mặt máy, đánh giá độ kín khít của gioăng, kiểm tra tình trạng nguyên vẹn các con ốc mặt máy, ốc mặt xích cam, là những vị trí thợ máy sẽ vặn tháo dỡ hoàn toàn động cơ khi đại tu, hoặc kiểm tra màu sắc dầu máy, mức dầu và sự rò rỉ dầu máy ở khu vực động cơ, hộp số.
Để xe chạy ổn định bình thường, chủ xe sẽ phải thay thế bằng phụ tùng linh kiện chính hãng, tốn thêm hàng chục, có khi tới hàng trăm triệu đồng, khiến những chiếc xe mua cũ có giá thấp lại phải "đội" lên gấp rưỡi.
Nếu mua lại xe cũ mà thiếu kiến thức về xe hoặc không có sự hỗ trợ của nhân viên kỹ thuật thì người mua sẽ khó để đoán đúng bệnh của xe mà có phương án trả giá hợp lý.
Một số lưu ý mà các cơ sở sửa chữa ô-tô đưa ra đối với người mua xe cũ: kiểm tra mùi ẩm mốc trên xe bị ngập nước; kéo hết dây an toàn lên để kiểm tra vệt ố, mốc, màu sắc khác lạ; kiểm tra đèn của xe; kiểm tra ở cốp xe, kiểm tra các ốc vít ở những vị trí kín, cần gạt nước mưa.
Quan trọng nhất là người mua phải thử ngồi lên xe, khởi động máy lên, cảm nhận, chạy thử. Khi đó, với một chiếc ô-tô bị thủy kích sẽ có thể có tạp âm khi khởi động, các âm loa, đài phát trên xe có hiện tượng khác lạ; các đèn báo có thể không hoạt động tốt.
Hơn hết cả, việc mua ô-tô là cần đảm bảo an toàn cho chính mình, gia đình và những người ngồi trên xe. Người mua nên đặc biệt cẩn trọng và tỉnh táo khi lựa chọn phương tiện giao thông vừa phù hợp với kinh tế của mình, lại vừa phải đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Theo Quế Chi (Đất Việt)