Những vụ triệu hồi 'rúng động' thị trường ô tô Việt Nam 2017

13/12/2017 14:33:37

Các đợt triệu hồi xe lỗi tại thị trường ô tô Việt Nam ảnh hưởng tới hầu hết các thương hiệu lớn như Toyota (TMV), Honda , Audi, Mercedes-Benz…

Triệu hồi xe ô tô để khắc phục lỗi kỹ thuật là hoạt động không còn xa lạ đối với người tiêu dùng trên thế giới hay tại Việt Nam. 

Có hãng phải triệu hồi tới con số hàng trăm nghìn, thậm chí một mẫu xe ít nhất 3 lần bị hồi xưởng với nhiều lỗi khác nhau. Cùng điểm lại những vụ triệu hồi rúng động thị trường ô tô Việt Nam năm 2017.

Honda Accord bị triệu hồi ít nhất 3 lần

Những vụ triệu hồi 'rúng động' thị trường ô tô Việt Nam 2017

Là mẫu sedan đầu bảng của Honda Việt Nam, năm 2017 được xem là “năm hạn” của mẫu xe này khi bị triệu hồi tới 3 lần.

Đợt triệu hồi lần đầu trong năm 2017 diễn ra vào tháng 2 với 45 chiếc Honda Accord do liên quan đến túi khí ghế phụ phía trước. Phía nhà sản xuất đưa ra nguyên nhân là bộ thổi khí túi khí ghế phụ phía trước trên những xe này có thể bị quá áp dẫn đến túi khí hoạt động không đúng chức năng khi va chạm.

Tiếp đến là tháng 8, Honda Accord lại bị triệu hồi với tổng số 319 chiếc để khắc phục nguy cơ gây cháy nổ do cảm biến ắc quy bị lỗi. Số lượng xe nhập khẩu Honda Accord bị ảnh hưởng nằm trong khoảng thời gian sản xuất từ năm 2013 đến năm 2015. Tất cả các mẫu xe này đều được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan.

Nguyên nhân triệu hồi được lý giải rằng trong quá trình sản xuất, vật liệu hàn không được điền đầy vào bảng mạch của cảm biến ắc quy nên theo quá trình sử dụng xe, các chất lỏng như nước muối, sunphat... có thể xâm nhập vào các lỗ hàn bị khuyết của bảng mạch.

Việc các chất lỏng xâm nhập và đọng lại ở bảng mạch có thể dẫn đến hiện tượng ngắn mạch và gây chập cháy bảng mạch cảm biến ắc quy. Trong trường hợp xấu có thể gây ảnh hưởng đến các chi tiết khác trong khoang động cơ.

Tới tháng 12, lại một lần nữa cái tên Honda Accord tiếp tục dính án triệu hồi do liên quan đến công tắc điều khiển gương chiếu hậu. Theo lộ trình, kể từ ngày 25/12/2017, Honda Việt Nam sẽ thực hiện đợt triệu hồi để khắc phục sự cố.

Theo lý giải từ phía Honda Việt Nam, do xử lý bề mặt tiếp điểm trong công tắc điều khiển gương chiếu hậu trên xe chưa phù hợp, nếu sử dụng trong thời gian dài có thể bị oxy hóa, dẫn đến gương chiếu hậu trên cửa xe có thể tự động bị gập vào khi xe đang chạy, đỗ hoặc không hoạt động khi bật công tắc.

Trong một số trường hợp, sự cố này có thể gây mất an toàn cho người sử dụng do không quan sát được phía sau vì gương bị gập lại, hoặc gây cảm giác khó chịu.

Toyota Việt Nam triệu hồi hơn 20.000 xe để sửa túi khí

Những vụ triệu hồi 'rúng động' thị trường ô tô Việt Nam 2017 - 1

Có lẽ Toyota Việt Nam là hãng gặp “đen đủi” nhất trong năm 2017 ngoài Honda Việt Nam khi phải tiến hành triệu hồi đối với hơn 20.000 xe Vios và Yaris để thay thế cụm bơm túi khí do Takata sản xuất.

Phía Toyota Việt Nam cho biết hãng tiến hành triệu hồi từ ngày 28/8 trên toàn quốc, đối tượng là 18.138 xe Vios lắp ráp trong nước (từ 5/1/2009 đến 29/12/2012) và 1.877 xe Yaris nhập khẩu (từ 1/9/2009 đến 31/8/2012) bị lỗi cụm bơm túi khí do Takata cung cấp.

Nguyên nhân được đưa ra do phía Takata sử dụng hợp chất amoni nitrat (NH4NO3) để phân huỷ tạo khí trơ làm phồng túi khí khi tai nạn. Nhưng cụm bơm khí của túi khí hành khách phía trước có nguy cơ bị hơi ẩm xâm nhập, gây phân huỷ amoni nitrat ngoài tính toán, áp lực lớn của việc phân huỷ gây nứt vỡ cụm bơm khí, các mảnh kim loại văng ra xuyên qua túi khí, gây chấn thương cho hành khách.

Những xe này bị lỗi tương tự như hàng chục triệu xe trên toàn thế giới trong cuộc khủng hoảng của Takata.

3 dòng xe bán chạy nhất của Mercedes-Benz Việt Nam bị triệu hồi

Những vụ triệu hồi 'rúng động' thị trường ô tô Việt Nam 2017 - 2

Vào tháng 9/2017, Cục Đăng kiểm Việt Nam từng ra 4 thông báo về việc triệu hồi đối với 3 dòng xe bán chạy nhất của Mercedes-Benz Việt Nam gồm: GLC, C-Class và E-Class. Ngoài ra, đợt thu hồi lần này cũng ảnh hưởng tới các dòng xe hiệu suất cao AMG.

Theo đó, 294 chiếc thuộc các dòng xe GLE, GL và AMG GLS 63, S 4MATIC, GLE 400 Coupe, GLE 400 AMG được triệu hồi để khắc phục cùng một lỗi tại hệ thống điện điều khiển mô-tơ trợ lực lái.

Đợt triệu hồi tiếp theo ảnh hưởng tới 940 chiếc Mercedes-Benz thuộc các dòng xe như GLC, CLA, A-class, E-class... được sản xuất từ năm 2014 đến năm 2017.

Tổng số lượng xe nằm trong diện triệu hồi được hãng gắn thêm cầu chì cho bộ giới hạn dòng điện khởi động động cơ để khắc phục hiện tượng quá dòng khi khởi động nhiều lần hay khởi động kéo dài (trong trình trạng bộ đề khởi động bị bó cứng do một hư hỏng trước đó).

Nissan Việt Nam triệu hồi 3.073 xe Navara do lỗi túi khí bên

Những vụ triệu hồi 'rúng động' thị trường ô tô Việt Nam 2017 - 3

Vào tháng 12/2017, Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) ra thông báo về việc triệu hồi đối với 3.073 chiếc bán tải Nissan Navara được nhập khẩu từ Thái Lan, nằm trong khoảng thời gian sản xuất từ ngày 20/9/2010 đến ngày 1/12/2014 do lỗi ở hệ thống túi khí ở bên ghế phụ.

Hai dòng xe Nissan Navara nằm trong đợt triệu hồi để kiểm tra và thay thế bộ thổi khí của túi khí phía trước bên phía hành khách là LE và XE. Nguyên nhân của vụ triệu hồi này được cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, bộ phận túi khí phía trước bên phía hành khách lắp trên xe Nissan Navara (LE và XE), có thể bị hơi ẩm xâm nhập và biến đổi có thể hoạt động không bình thường theo thiết kế do tiếp xúc lâu dài với môi trường với độ ẩm và nhiệt độ cao.

Trường hợp xe bị va chạm và hệ thống túi khí được kích hoạt, việc giải phóng khí trơ có thể tạo nên áp lực bên trong quá lớn và dẫn đến khả năng cụm bơm khí bị nứt vỡ. Trong trường hợp cụm bơm khí bị nứt vỡ, các mảnh kim loại của bơm khí có thể bắn văng ra xuyên qua túi khí đã được bơm phồng, dẫn đến nguy cơ gây chấn thương cho hành khách, lái xe và người đi cùng.

Mitsubishi triệu hồi hồi Outlander Sport/Pajero Sport và Pajero

Những vụ triệu hồi 'rúng động' thị trường ô tô Việt Nam 2017 - 4

Mở màn cho một năm “đen đủi” với Mitsubishi Việt Nam, khi phải tiến hành triệu hồi tới 4.200 xe gồm Outlander Sport và Pajero Sport vào tháng 8/2017 để khắc phục hệ thống giảm chấn cửa sau bị lỗi.

Sự cố ảnh hưởng tới 943 chiếc Mitsubishi Outlander Sport có số hiệu GA2WXTHHL, sản xuất từ năm 2014-2016 và các mẫu xe cùng loại có số hiệu GA2WXTSHL sản xuất từ năm 2014-2015.

Còn mẫu Pajero Sport có số lượng lớn hơn - 3.275 chiếc, bao gồm cả xe nhập khẩu nguyên chiếc và lắp ráp trong nước (không loại trừ sử dụng động cơ xăng hay động cơ diesel), có thời gian sản xuất khác nhau (theo từng loại số hiệu), từ năm 2011 đến tháng 6/2016.

Nguyên nhân của đợt triệu hồi lần này là do phần nắp đậy của ống ngoài giảm chấn cửa hậu trên các mẫu xe này bị gỉ sét do lớp phủ chống ăn mòn không đầy đủ, dẫn đến nguy cơ gãy ra và gây tổn thương cho người đứng xung quanh cửa hậu vào thời điểm mở cửa.

Những vụ triệu hồi 'rúng động' thị trường ô tô Việt Nam 2017 - 5

Trong tháng 12/2017, Mitsubishi Việt Nam lại một lần nữa phải tiến hành triệu hồi đối với 2.519 chiếc Mitsubishi Pajero do gặp lỗi ở hệ thống cụm bơm túi khí. Tổng số xe bị thu hồi được sản xuất từ năm 2007 đến 2016.

Theo thông báo từ Cục ĐKVN, nguyên nhân có thể là do bộ phận ngòi nổ túi khí chịu tác động của sự thay đổi nhiệt độ dưới điều kiện khí hậu ẩm ướt trong thời gian dài sử dụng, chất xúc tác (amoni nitrat) bên trong ngòi nổ túi khí có thể bị biến chất.

Trong một số trường hợp khi xảy ra hiện tượng va chạm, bộ ngòi nổ túi khí tạo ra áp suất quá lớn làm vỏ túi khí hoặc các chi tiết nhỏ bị vỡ bắn ra gây tổn thương cho người lái và làm mất tác dụng của túi khí.

Audi Việt Nam triệu hồi Q3

Những vụ triệu hồi 'rúng động' thị trường ô tô Việt Nam 2017 - 6

Vào tháng 8, phía Audi Việt Nam từng thông báo việc “hồi xưởng” đối với 33 chiếc SUV compact Q3 (động cơ TFSI 2.0) do liên quan tới lỗi phanh phía sau. Số xe nằm trong diện hồi xưởng được sản xuất từ tháng 06/2014 đến tháng 11/2016.

Nguyên nhân của đợt triệu hồi lần này được Audi Việt Nam lý giải, có thể đèn phanh phía sau xe không được kích hoạt trong môt số trường hợp sử dụng phương thức phanh khẩn cấp thông qua nút bấm cơ điện.

Trong quá trình nâng cấp sản phẩm, hệ thống điều khiển kích hoạt đèn phanh khẩn cấp khi sử dụng phanh tay cơ điện được tích hoạt trong một modul, trong một số trường hợp, tín hiệu không truyền qua hệ thống điều khiển chung để kích hoạt. Hiện tượng này chỉ xảy ra khi sử dụng phanh tay điện tử cho trường hợp phanh khẩn cấp. Các tính năng khác của hệ thống phanh vẫn hoạt động bình thường.

Theo Nga Ly (vietnamfinance.vn)