Lớp sơn thường được ví như bộ mặt của chiếc xe, tuy nhiên có nhiều nguyên nhân khiến lớp sơn xe không còn được sáng bóng và đẹp như mới. Dưới đây là một số những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này mà các chủ xe nên nắm rõ.
Nhựa đường
Đây là một trong những “kẻ thù” hàng đầu của lớp sơn trên xe ô tô. Trong những ngày nắng nóng, nhựa đường sẽ có nhiều khả năng bám lên xe. Khi xe bị dính nhựa đường, nếu không xử lí đúng cách sẽ dễ khiến lớp sơn xe bị trầy xước hay thậm chí là bong tróc.
Các chuyên gia khuyên rằng trong trường hợp sơn xe bị dính nhựa đường, chủ xe nên mang đến các cơ sở bảo dưỡng thay vì tự mình xử lí để tránh tình trạng kể trên. Bên cạnh nhựa đường, một số loại nhựa từ cây xanh bên đường bị ô tô va quẹt trong quá trình di chuyển cũng gây ảnh hưởng xấu đến lớp sơn của xe.
Xăng
Nhiều người chắc chắn sẽ bất ngờ khi biết xăng cũng là thủ phạm khiến lớp sơn xe không còn sáng bóng. Khi bám vào lớp sơn xe, xăng vẫn sẽ để lại dấu vết bẩn trên xe dù có bốc hơi sau đó. Trong trường hợp này, chủ xe cần sử dụng khăn tay mềm để lau sạch vị trí sơn tiếp xúc với xăng cũng như bôi thêm 1 lớp sáp để bảo vệ sơn xe tốt hơn.
Phân chim
Không chỉ làm mất thẩm mỹ mà phân chim còn có thể ăn mòn lớp sơn xe. Trên thực tế, trong phân chim có hàm lượng urê khá cao, kéo theo độ ăn mòn axit tương đối mạnh và gây ra phản ứng hóa học khi tiếp xúc với các thành phần của sơn xe.
Do đó, khi phát hiện phân chim trên xe ô tô, chủ xe nên sử dụng giấy nhám và chà nhẹ vào chỗ có phân chim. Tiếp đến sử dụng khăn ướt phủ lên chỗ tiếp xúc đó để phân chim tự rớt ra và dùng sơn đánh bóng lại chỗ bị bẩn.
Bên cạnh các nguyên nhân kể trên còn có thêm nhiều tác nhân ít người biết đến như muối, tro, xi đánh giày, đồ ăn, cà phê,…Chính vì vậy, để bảo vệ lớp sơn xe một cách tốt nhất, các chủ xe nên chú ý hạn chế va quẹt khi tham gia giao thông, không phơi xe dưới nắng, đỗ xe trong nhà hoặc nơi có mái che, vệ sinh xe đúng cách,…
Theo Mai Lý (VietNamNet)