Dưới đây là một số thói quen có thể làm xe ô tô của bạn nhanh hỏng.
Đạp phanh liên tục khi xuống dốc
Đây là thói quen xấu khiến má phanh và đĩa phanh của xe ôtô bị mòn. Điều này dẫn tới việc bạn phải thay thế phụ tùng thường xuyên, làm gia tăng chi phí sử dụng xe.
Vì vậy, khi xuống dốc hoặc đổ đèo, bạn hãy chuyển về số thấp đối với xe số sàn, hoặc số D trên xe trang bị hộp số tự động. Khi đó, vòng tua động cơ đẩy lên cao hơn, xe sẽ được ghìm lại. Lúc này bạn có thể nhấp nhả chân phanh liên tục. Lúc này, má phanh và đĩa phanh sẽ hạ bớt nhiệt trước khi bạn tiếp tục đạp phanh.
Thường xuyên nghỉ tay lên cần chuyển số
Thói quen này sẽ gây hại đối với hộp số của xe. Bởi, cần số luôn được liên kết trực tiếp với trục càng số. Khi chuyển số, trục càng số sẽ tiếp xúc và tác động lên các càng số, giúp thay đổi tỉ số truyền lực. Trục càng số và các càng số được thiết kế để tiếp xúc với nhau trong một thời điểm rất ngắn.
Khi đặt và tỳ tay lâu, bạn vô tình khiến trục càng số phải tiếp xúc hờ với các càng số. Việc này lặp lại trong thời gian dài sẽ khiến trục càng số và các càng số bị mòn ở phần tiếp xúc. Điều này có thể dẫn tới hỏng hộp số xe ô tô.
Đạp chân ga sâu để khởi động xe khi trời lạnh
Khi trời lạnh, đặc biệt là vào buổi sáng, nhiều tài xế thường khó đề nổ xe ôtô. Do vậy theo thói quen của nhiều người là nổ máy và đạp chân ga thật sâu để động cơ “rú” to lên, tránh việc máy đang hoạt động thì bị dừng lại đột ngột và phải đề nổ lại.
Tuy nhiên, thói quen này thực chất rất có hại cho động cơ xe ôtô. Vì vậy, ở nhiệt độ thấp, tài xế nên khởi động xe nhẹ nhàng, để cho động cơ từ từ ấm lên, dầu máy được bơm đủ để len lỏi tới mọi chỗ cần thiết của động cơ.
Không chú ý các loại đèn cảnh báo
Hiện nay trên thị trường có nhiều mẫu xe đời mới với nhiều loại đèn cảnh báo khác nhau. Một số loại cảnh báo như: Cạn nước rửa kính hoặc cháy đèn, bạn có thể tạm thời bỏ qua và khắc phục sau đó. Tuy nhiên, có rất nhiều loại đèn cảnh báo buộc các tài xế phải lập tức chú ý ngay khi phát hiện.
Một trong số đó là: Động cơ/ECU (bộ vi xử lý trung tâm), hệ thống phanh, mất trợ lực tay lái, túi khí, áp suất dầu, hệ thống làm mát… Những cảnh báo này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hoạt động của xe và độ an toàn của người sử dụng. Để hiểu rõ về từng loại đèn cảnh báo cụ thể, mỗi tài xế nên nghiên cứu kỹ trong tài liệu hướng dẫn sử dụng khi mua xe.
Theo Thu Hà (Cartimes.vn)