Dưới đây là những lỗi vi phạm phổ biến và mức phạt mà người lái xe ô tô cần chú ý.
Sử dụng điện thoại khi đang lái xe
Sử dụng điện thoại khi đang lái xe là một trong những lỗi phổ biến khiến các tài xế bị xử phạt. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tài xế mất tập trung dẫn đến tai nạn giao thông.
Theo Nghị định 100/2019, mức xử phạt hành chính từ 1 - 2 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường.
Như vậy, so với Nghị định 46/2016, mức xử phạt hành chính đối với tài xế có hành vi sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe chạy trên đường được quy định tại Nghị định 100/2019 sẽ tăng từ 400.000 - 1,2 triệu đồng. Trước đó, cùng hành vi vi phạm này, Nghị định 46/2016 quy định chỉ phạt tiền từ 600 - 800 ngàn đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm mà gây tai nạn giao thông sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.
Điều khiển ô tô khi trong hơi thở có nồng độ cồn
Vào những ngày Tết, việc lạm dụng rượu bia là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phạm luật. Theo Nghị định 100/2016, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ người điều khiển ô tô lưu thông trên đường sẽ bị xử phạt hành chính và tước giấy phép lái xe nếu hơi thở có nồng độ cồn.
Cụ thể, Nghị định 100/2019 quy định người điều khiển ô tô lưu thông trên đường sẽ bị phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Ngoài ra, người vi phạm bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10 - 12 tháng.
Mức phạt hành chính sẽ tăng lên ở mức 16 - 18 triệu đồng với người điều khiển tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Đồng thời sẽ bị ước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 16 - 18 tháng.
Đặc biệt, với những trường hợp người điều khiển ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền 30 - 40 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng.
Không thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô
Theo quy định mới, không chỉ tài xế mà ngay cả những hành khách ngồi trên ô tô đang lưu thông bắt buộc phải thắt dây an toàn. Tuy nhiên, thực tế vẫn có nhiều người ngồi trên ô tô đang lưu thông thường chủ quan, không thắt dây an toàn. Thậm chí một số trường hợp còn đối phó bằng nhiều cách khác nhau, khi hệ thống đèn cảnh báo trên xe…“nhắc nhở” thắt dây an toàn. Vì vậy, khi xảy ra tai nạn rất dễ dẫn đến chấn thương nặng, thậm chí tử vong do va đập, văng ra khỏi xe.
Theo quy định mới tại điểm p, khoản 3 điều 5 của Nghị định 100/2019, trường hợp không thắt dây an toàn khi điều khiển xe chạy trên đường sẽ bị xử phạt từ 800.000 đến 1.000.000 đồng. Mức phạt tương tự cũng áp dụng với trường hợp chở người trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy, tăng từ 700.000 - 800.000 đồng so với Nghị định 46/2016.
Điều khiển ô tô chạy quá tốc độ quy định
Bên cạnh việc sử dụng rượu bia nhưng vẫn điều khiển ô tô, việc lái xe quá tốc độ quy định là một trong những lỗi nhiều tài xế thường mắc phải khi lái xe trong những ngày Tết. Theo Nghị định 100/2019, tài xế sẽ bị phạt từ 800.000 - 1.000.000 đồng nếu lái điều khiển ô tô chạy quá tốc độ quy định từ 5 đến dưới 10 km/giờ.
Bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng nếu lái điều khiển ô tô chạy quá tốc độ 10 đến 20 km/giờ. Từ 6 - 8 triệu đồng nếu chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/giờ đến 35 km/giờ. Mức phạt với những trường hợp lái xe chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/giờ sẽ bị phạt từ 10 - 12 triệu đồng.
Điều khiển ô tô không đúng phần đường, làn đường quy định
Cũng theo quy định tại Nghị định 100/2019, người điều khiển ô tô đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định (đi sai làn) sẽ bị phát tiền từ 3 – 5 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
Đối với trường hợp người điều khiển ô tô không đúng phần đường hoặc làn đường quy định gây tai nạn giao thông sẽ bị phát tiền từ 10 – 12 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng theo quy định tại điểm a khoản 7, điều 5 của Nghị định 100/2019.
Chuyển làn không bật tín hiệu rẽ (xi nhan)
Theo Nghị định 100 có hiệu lực từ 1.1.2020, khi chuyển làn mà không bật tín hiệu rẽ, người điều khiển phương tiện có thể bị CSGT phạt tới 5 triệu đồng, tước bằng lái cao nhất 3 tháng.
Cụ thể, với trường hợp lái xe ô tô chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước sẽ bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng. Chuyển hướng không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức) thì phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng. Chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc thì bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng, tước bằng lái xe từ 1 - 3 tháng.
Theo Thu Hà (Cartimes.vn)