Ngược dòng thị trường, xe hot khan hàng
Trong khi thị trường xe, hầu hết các phân khúc đều chứng kiến hàng loạt những chương trình ưu đãi, giảm giá bán để kích cầu thì ở chiều ngược lại một số mẫu xe “hot” hiện tại vẫn tiếp tục khan hàng, khách đặt mua phải chấp nhận chờ đợi thậm chí 2-3 tháng mới có xe về đại lý.
Một trong số đó phải kể đến mẫu xe Vinfast Fadil của nhà sản xuất Việt. Thông tin từ các đại lý cho biết, lượng khách chờ giao xe Fadil hiện vẫn còn nhiều. Ưu tiên trả đơn cũ nên khách hàng mới có thể phải chờ tới 2 - 3 tháng mới được giao xe. Phải tới tháng 6 mới đủ xe để giao trả cho khách đặt trước.
Việc không có đủ nguồn cung cũng là nguyên nhân khiến doanh số Vinfast Fadil những tháng qua liên tục bị giảm sút. Cụ thể, kết thúc tháng 2 Fadil chỉ đạt 1.090 xe giao đến tay khách hàng trong tháng 2 giảm 37,6% so với tháng trước đạt 1.746 xe.
Trao đổi với phòng viên Xe Vietnamnet, anh Phan Mạnh, nhân viên kinh doanh tại một đại lý xe KIA ở Hà Nội cho biết, hiện nay Kia Seltos 2021 lắp ráp trong nước cũng rơi vào tình trạng không đủ xe giao cho khách hàng. Khách hàng mua Kia Seltos phải chờ ít nhất 15 ngày đến 1 tháng mới được giao xe.
Toyota Corolla Cross được phân phối theo diện xe nhập khẩu từ Thái Lan cũng đang trong tình trạng “không đủ xe để bán”. Trưởng bộ phận bán hàng một đại lý Toyota ở Hà Nội cho biết: “Toyota Corolla Cross hiện đang cháy hàng. Kế hoạch giao xe cho khách hàng đặt mua sẽ bị chậm lại. Với các mẫu mã khác, khách hàng đặt mua tại thời điểm này có thể nhận xe ngay, nhưng với Toyota Corolla Cross phải mất một vài tuần thậm chí cả tháng mới có xe”.
Ở phân khúc xe sang, trưởng phòng kinh doanh một đại lý xe Mercedes cũng xác nhận nhiều xe Mercedes lắp ráp trong nước cũng như nhâp khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài thời điểm này cũng khan hàng, chậm giao cho khách.
Lý giải về tình trạng này, hầu hết các đại lý đều cho biết là do ảnh hưởng Covid-19 nên nhiều nhà máy trên thế giới bị đình trệ dẫn đến linh kiện, phụ tùng nhập về không đồng bộ. Cùng với đó, việc thiếu container, thiếu tàu cũng khiến tình hình nhập khẩu xe về nước chậm hơn đáng kể. Theo dự đoán tình trạng này có thể sẽ kéo dài đến giữa quý II/2021.
Đó cũng là nguyên nhân khiến sản lượng của xe lắp ráp trong nước trong tháng 2/2021 chỉ đạt 8.610 xe, giảm 41% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 4.975 xe, giảm 58% so với tháng trước.
Khách mua xe chịu thiệt
Việc nguồn hàng khan hiếm đối với những mẫu xe hút khách là cơ sở để các đại lý có nhiều chiêu bài để tối đa hóa lợi nhuận.
Nhiều đại lý tranh thủ làm giá bằng cách ép khách mua thêm phụ kiện vài chục triệu đồng nếu muốn giao xe sớm.
Bên cạnh đó, tình trang cầu vượt cung cũng là cơ hội để các đại lý cắt hầu hết ưu đãi cho khách mua xe thời điểm này. Người mua không còn được giảm giá vài chục triệu đồng/xe như trước đây, gói phụ kiện trị giá hàng chục triệu đồng cũng không còn.
Trên thực tế, theo ghi nhận hiện tại các mẫu xe hiếm hàng nói trên đều không được áp dụng ưu đãi, giảm giá nhiều. Thậm chí có mẫu còn bị "bán bia kèm lạc".
Đang có ý định đặt mua xe Toyota Crolla Cross mới nhưng bị nhân viên sales tư vấn mua thêm phụ kiện sẽ được ưu tiên nhận xe sớm, anh Tiến Hùng, quận Long Biên, Hà Nội tỏ bức xúc: "Xe lắp thêm phụ kiện đại lý nói cần thiết nhưng bản thân người mua chưa chắc thấy vậy”, anh Hùng nói.
"Hiếm xe, dù có thể không điều chỉnh tăng giá nhưng các đại lý chắc hẳn sẽ giảm hoặc cắt khuyến mãi. Đó là điều dễ hiểu. Chung quy lại khách hàng luôn là người chịu thiệt.
Để tránh gặp phải tình trạng mua xe kênh giá, đại lý bán xe kèm phụ kiện giá cao,... người tiêu dùng cần xem xét thời điểm, đợi thị trường ổn định rồi hãy mua xe cũng như thực hiện giao dịch tại các đại lý uy tín để để tránh mất tiền thêm không mong muốn", vị trưởng phòng kinh doanh đại lý xe Mercedes chia sẻ.
Theo Chi Bảo (VietNamNet)