Những nguyên nhân khiến vô lăng ô tô rung lắc:
- Lắp bánh xe không đúng cách
Khi vô lăng bất ổn, nên kiểm tra bộ phận lốp xe đầu tiên. Nếu chi tiết này bị sai lệch vị trí, hư hỏng hay vốn có chất lượng thấp thì sẽ gây ra sự mất cân bằng giữa các bánh xe. Nó khiến các tài xế dễ dàng nhận thấy độ rung tay lái, thậm chí là toàn bộ chiếc xe khi di chuyển từ tốc độ từ 60 km/h.
- Bánh xe không cân bằng
Sau một thời gian sử dụng, lực căng của các bánh xe sẽ không còn đồng đều hoặc bề mặt lốp mòn không đều do không được đảo lốp hoặc đảo không đúng cách dẫn đến khả năng tiếp xúc với mặt đường kém cũng chính là nguyên nhân gây ra hiện tượng rung, lắc vô lăng.
- Hệ thống treo
Hệ thống treo là bộ phận quan trọng giúp xe hơi luôn vận hành một cách êm ái. Hệ thống này loại bỏ những dao động thẳng đứng giúp hạn chế các ảnh hưởng cơ học đến khung và các chi tiết kim loại khi xe đi qua những đoạn đường không bằng phẳng. Sự rung lắc thường xảy ra do các bộ phận bị ăn mòn, các giảm chấn động bị mòn, các kết nối lỏng lẻo hoặc sự mất cân bằng của trục lái.
- Phanh có vấn đề
Đĩa phanh bị cong, vênh, mòn không đều làm cho má phanh và bộ kẹp phanh không siết chặt vào đĩa phanh hoặc đĩa phanh không được vệ sinh, bám nhiều bùn đất cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng rung tay lái ô tô. Nếu do phanh, tay lái sẽ rung lắc khi xe di chuyển với tốc độ cao, khi đạp phanh xe hoặc có mùi khét sau khi dừng xe.
- Khoang động cơ vận hành bất ổn định
Vô lăng ô tô rung lắc hoặc giật mạnh khi tăng tốc có thể do những trục trặc trong khoang động cơ như: dây bugi lỏng lẻo hoặc bị hỏng, lọc không khí hoặc lọc bugi bám nhiều bụi bẩn khiến không đủ không khí, nhiên liệu hoặc tia lửa điện cần thiết cho hoạt động của động cơ...
Cách khắc phục vô lăng ô tô rung lắc hiệu quả:
- Siết chặt và cân bằng các lốp
Độ căng của lốp không chuẩn sẽ làm suy giảm độ bám đường của bánh xe, đồng thời khiến cho bốn bánh xe hoạt động không đồng đều, tạo ra độ lệch gây ra rung lắc trong toàn bộ chuyển động của xe, đặc biệt là rung lắc ở tay lái.
Chủ xe nên đưa xe ô tô đến trung tâm sửa chữa chuyên nghiệp để kiểm tra và đảo lốp sau mỗi 5.000 - 10.000km di chuyển, tùy theo loại lốp cũng như điều chỉnh độ nén và cân bằng hệ dẫn động 4 bánh cho xe. Ngoài ra, để có thể thường xuyên theo dõi áp suất lốp và đảm bảo cho lốp luôn được bơm chuẩn, chủ xe có thể lắp thêm bộ cảm biến áp suất.
- Bảo dưỡng chân cao su
Sau một thời gian sử dụng, các đệm cao su bên trong chân máy ô tô có thể bị mài mòn khiến xe di chuyển không êm. Đồng thời, tạo ra va chạm giữa các bộ phận bên trong động cơ và tác động lên phần khung xe. Do đó, gây ra hiện tượng rung tay lái khi vận hành xe.
Khi xảy ra tình trạng này, chủ xe nên kiểm tra chất lượng hoạt động của chân máy và tiến hành thay thế nếu thấy chân cao su bị mài mòn.
- Kiểm tra Rotuyn
Rotuyn ô tô còn có tên gọi khác là Ball Joint, là chi tiết quan trọng trong hệ thống dẫn lái. Chi tiết này cũng có thể được hiểu là khớp cầu - bộ phận tác động và điều hướng cho bánh xe (có một đầu là khớp cầu).
Nếu xảy ra trường hợp cánh quạt của Rotuyn bị lỗi, khi di chuyển, tay lái ô tô sẽ bị rung, xe điều hướng không chính xác và thậm chí là mất kiểm soát tay lái.
Theo Bảo Khánh (Nhà Báo & Công Luận)