Sau khi các thương hiệu phương Tây rời đi, người Nga buộc phải vượt qua tâm lý miễn cưỡng để đón nhận các thương hiệu Trung Quốc, thậm chí chấp nhận mức giá cao hơn.
Các thương hiệu Trung Quốc như Haval, Chery và Geely hiện chiếm gần 40% doanh số bán ô tô mới của Nga, tăng mạnh từ mức dưới 10% trong tháng 1, tháng 2/2022. Các thương hiệu này đã nắm bắt cơ hội béo bở sau sự ra đi của các công ty phương Tây như Renault, Nissan và Mercedes.
Nhưng mọi chuỵện không phải luôn dễ dàng. Phóng viên Reuters đã nói chuyện với một số người mua ô tô Nga – cả cá nhân và đại lý - những người cho rằng chất lượng của một số loại ô tô Trung Quốc thấp hơn so với các đối thủ phương Tây và các chuyên gia trong ngành cho biết các nhà sản xuất Trung Quốc cần nâng cao uy tín chất lượng ngay cả khi thị phần của họ đã tăng vọt.
Stepan, 28 tuổi, người ngày càng sử dụng xe ô tô Trung Quốc nhiều qua dịch vụ chia sẻ ô tô, nằm trong số những người cần được thuyết phục. Trong số những phàn nàn của anh về ô tô Trung Quốc có vấn đề về sự trơn tru của ổ đĩa.
"Tôi đã mua một chiếc Skoda vào năm 2022. Nếu bạn muốn biết đánh giá trung thực của tôi, sự khác biệt (với ô tô Trung Quốc) là rất lớn", Stepan nói với Reuters tại đại lý Favorit Motors ở Moskva.
Nhà sản xuất ô tô Séc Skoda Auto, một nhánh của Tập đoàn Volkswagen và là một trong số hãng xe phương Tây có sản xuất ô tô tại Nga, hiện đang trong giai đoạn cuối cùng của thỏa thuận bán tài sản ở nước này.
Khi mua chiếc ô tô Trung Quốc mới, ông Alexander, 74 tuổi, đã tìm kiếm một chiếc có công nghệ Thụy Điển.
"Tôi tin rằng theo thời gian độ tin cậy sẽ được cải thiện", ông nói, "Ví dụ, tôi biết rằng (Geely) Tugella có động cơ Volvo. Họ đã bán chiếc xe này cho tôi”. Ông Alexander nhận xét thêm: “Chúng tôi từng cười nhạo một số thiết kế của họ, nhưng tôi đã lái một chiếc ô tô địa phương và thử những loại khác. Nói thẳng ra là chiếc xe tôi lái chắc chắn không tệ hơn một chiếc Mercedes."
Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hôm 24/3 cũng cho biết, hợp tác với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang tốt đẹp.
Hầu hết các nhà sản xuất ô tô phương Tây, những người giành giật thị phần Nga kể từ khi bắt đầu xây dựng nhà máy ở nước này vào đầu những năm 2000, đã ngừng hoạt động tại Nga từ mùa xuân năm ngoái.
"Chúng tôi đã dành cả đời ưu tiên cho các thương hiệu châu Âu, Nhật Bản, Mỹ và đặc biệt không tính đến thị trường Trung Quốc, một thị trường đã phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc”, ông Vladimir Shestak, tổng giám đốc Altair-Auto tại Vladivostok, phát biểu.
Mặc dù phần lớn các công ty nước ngoài đã rời khỏi Nga hoặc đang trong quá trình rời đi, nhưng lượng hàng tồn đọng và nhập khẩu song song có nghĩa là ô tô của một số công ty vẫn được bán cho đến thời điểm hiện tại.
Thương hiệu xe Lada của nhà sản xuất nội địa Avtovaz là thương hiệu phổ biến nhất ở Nga. Trong khi đó, hãng ô tô Pháp Renault, thông qua cổ phần kiểm soát trước đây ở Avtovaz, đã có thị phần cao nhất trong số các nhà sản xuất nước ngoài trước khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine.
Chuyên gia ngành công nghiệp ô tô Sergey Aslanyan cho biết, mặc dù ô tô Trung Quốc đang ngày càng lấp đầy khoảng trống, uy tín chất lượng của họ vẫn là một vấn đề.
“Vâng, họ gần như không còn đối thủ cạnh tranh ở đây nữa”, ông Aslanyan nói. "Nhưng điều đó không có nghĩa là mọi người sẽ thay đổi đánh giá (về xe Trung Quốc) một cách nhanh chóng."
Dữ liệu của Autostat và PPK cho thấy thị phần của các thương hiệu Trung Quốc đạt 37,15% trong tháng 1-tháng 2/2023, tăng từ mức 9,48% một năm trước đó. Doanh số của các thương hiệu châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc đã giảm từ 70% xuống 22,6%.
Tuy nhiên, sự thay đổi nói trên xảy ra trong bối cảnh doanh số bán ô tô mới giảm mạnh, giảm 58,8% vào năm 2022 do mức sống thấp hơn, cộng với mong muốn sử dụng xe do phương Tây sản xuất khiến người Nga giảm chi tiêu và mua nhiều ô tô đã qua sử dụng hơn.
Trong một dấu hiệu của sự hợp tác ngày càng tăng, hãng Haval của Trung Quốc hiện đang sản xuất ô tô tại Nga, trong khi ở Moskva, hãng Moskvich, hồi sinh từ thời Liên Xô, đang sử dụng các bộ phận động cơ, thiết kế và kỹ thuật từ công ty JAC của Trung Quốc.
Nhưng một vấn đề khác đối với người tiêu dùng Nga là giá cả. Ngay cả ông Medvedev cũng nói rằng giá của xe Moskvich có vẻ hơi cao. Chiếc Moskvich Model 3 có giá khoảng 2 triệu rúp (26.195 USD), trong khi giá xe Lada Granta, chiếc xe được bán rộng rãi nhất ở Nga, khởi điểm chỉ từ khoảng 680.000 rúp.
Theo Thu Hằng (Báo Tin Tức)