Theo thống kê, tổng số lượng ô tô của hai thành phố lớn nhất nước đang là khoảng hơn 500 nghìn xe. Mặc dù chưa thể so sánh được với số lượng xe máy, thế nhưng xe hơi cũng là một lực lượng chiếm diện tích đáng kể khi lưu thông trên đường. Ngoại trừ các cao tốc liên tỉnh, hầu hết các con đường tại Việt Nam đều được ô tô và xe máy sử dụng chung, các mâu thuẫn cũng từ đó mà bắt đầu nảy sinh.
Người đi xe máy không thích ô tô ở điểm nào
Anh Nhân, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội, cho biết: "Nhà tôi ở dưới Hà Đông, còn công ty lại ở trên Mỹ Đình, ngày nào tôi cũng phải đi qua con đường Khất Duy Tiến - Phạm Hùng đầy khói bụi. Tuy nhiên, điều khiến tôi bực mình nhất là chuyện ô tô dàn hàng ngang ra đường khiến những người đi xe máy như tôi rất vất vả".
Theo ghi nhận của phóng viên, đã từ lâu tuyến đường Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng luôn trong tình trạng quá tải vào giờ cao điểm. Đây là tuyến giao thông huyết mạch của thủ đô, nơi có đường dẫn lên cao tốc trên cao vành đai 3 nên lượng ô tô đặc biệt nhiều. Cứ mỗi buổi chiều, các xe hơi dàn hàng ngang ra đi trên đường khiến diện tích dành cho xe máy còn rất ít. Vào các ngày mưa, hiện tượng này càng trầm trọng. Rất nhiều xe máy chọn cách leo lên vỉa hè.
Không chỉ ở mỗi con đường này, tại Hà Nội chuyện xe hơi đi dàn hàng ngang còn diễn ra ở một số địa điểm khác như đường Láng, Thái Hà v..v...
"Tôi chỉ mong những người có tiền mua ô tô đừng đem phong cách lái xe máy qua" - anh N tâm sự.
Còn các chị em lại có những nỗi khổ khác. Chị Phượng, một người kinh doanh tại nhà cho biết: "Mình thì ít quan tâm chuyện bị ô tô lấn làn. Tắc đường về chậm một chút cũng được. Mình chỉ sợ bị các bác tài taxi tạt đầu xe rồi phanh gấp để đón trả khách thôi. Phanh xe máy không thể ăn bằng ô tô nên rất dễ bị ngã trượt xe ra đường. Rồi còn chuyện xe hơi bấm còi âm lượng lớn đằng sau gây giật mình. Lúc trời mưa đường ngập cũng mong mấy bạn ô tô đi chậm một chút không nước bắn ướt hết người chị em. Phụ nữ tay lái yếu nên rất sợ mấy chuyện như thế".
Nỗi khổ của những người lái ô tô
Ngược lại với các ý kiến trên, những người đi xe hơi lại cho rằng ở Việt Nam lái ô tô khổ hơn.
Anh Hải, một người hành nghề lái xe lâu năm, phàn nàn: "Tôi đã đi hết Việt Nam này rồi, lái xe hơi dàn hàng ngang đúng là cũng có nhưng tỷ lệ không nhiều. Còn chuyện xe máy đi sang làn ô tô thì diễn ra khắp mọi nơi. Chưa kể những người đi xe máy rất hay bon chen, tạt đầu xe ô tô. Ở các ngã tư mật độ giao thông cao, tài xế ô tô thường phải nhường xe máy đi trước".
Đồng tình với ý kiến của anh Hải, một độc giả khác cho biết: "Từ khi mua ô tô mình mới biết trước kia bản thân đi xe máy ẩu như thế nào, toàn bon chen đi sát xe hơi theo kiểu điếc không sợ súng, chưa bao giờ mình hiểu khái niệm điểm mù xe hơi là gì cả. Bây giờ mình chú ý đến các biển báo giao thông hơn và không bao giờ vượt đèn đỏ như trước nữa".
Ai đúng, ai sai
Những câu chuyện khẩu chiến giữa ô tô, xe máy vẫn luôn là đề tài nóng trên mạng xã hội. Một số ý kiến cho rằng đa số người đi ô tô có ý thức hơn. Nhưng cũng có những lập luận phản đối "người đi ô tô chỉ sợ tiền phạt nặng hơn mà thôi".
Trước hết, mỗi người cần phải tâm niệm, dù là ô tô hay xe máy thì đó cũng chỉ là phương tiện đi lại. Chiếc xe không phải là đại diện cho hành vi con người. Quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi cá nhân.
Chúng ta không thể đổ lỗi cho quy hoạch cũng như đòi hỏi một cơ sở vật chất hoành tráng, phân làn độc lập riêng cho ô tô, xe máy. Điều đó là không khả thi với tình hình kinh tế hiện nay.
Để xảy ra hiện trạng giao thông hỗn loạn, xe máy tạt đầu ô tô, ô tô chèn xe máy như bây giờ chẳng qua bắt nguồn từ sự ích kỷ. Ai cũng muốn đi nhanh, ai cũng muốn về trước. Nhưng càng bon chen, càng giành giật thì lại càng tắc đường. Chỉ khi mọi người biết nhường nhịn nhau, ai tới trước thì đi trước theo thứ tự thì vấn đề mới được giải quyết.
Theo Ngân Vũ (VietNamNet)