Điều hoà dở chứng ngày nắng nóng khiến các gara tất bật
Dịp cuối tuần vừa qua, gia đình anh Vũ Đình Nam ở Thanh Xuân, Hà Nội đã gặp phải một phen "toát mồ hôi hột" theo đúng nghĩa đen khi về quê Quảng Ninh bằng chiếc xe của gia đình.
Lúc mới lăn bánh vào buổi sáng, nhiệt độ ngoài trời và trong xe còn khá mát mẻ. Nhưng đi được khoảng 40-50km, điều hoà trên chiếc KIA Morning đời 2010 của anh trở nên mất tác dụng, hầu như không có hơi lạnh phả ra mà chỉ còn quạt gió.
Quãng đường còn lại, anh phải vừa mở cửa kính vì gió từ điều hoà không đủ mát. Cả gia đình 4 người được một bữa "xông hơi" ngay trong xe.
"Xe tôi chủ yếu để dưới hầm chung cư và rất ít đi, cả năm qua hầu như không bảo dưỡng gì. Thế nên, khi trời nắng nóng và đi đường xa đã khiến điều hoà không chịu nổi. Ra đường thời tiết này mà hỏng điều hoà thì đúng là cực hình. Ngay sau hôm đó, tôi phải ra tiệm sửa xe gần nhà để kiểm tra và bơm thêm ga cho xe", anh Nam chia sẻ.
Vào thời điểm đầu mùa nóng như hiện nay, trường hợp như của anh Nam ở trên là không hề hiếm gặp. Ghi nhận của PV VietNamNet tại một số gara lớn trên địa bàn TP. Hà Nội cho thấy, hầu hết các cơ sở sửa chữa ô tô đều đông khách. Nhiều xe đến tập trung vào những "bệnh" khá đặc trưng như điều hoà, hệ thống quạt gió, làm mát của xe,...
Kỹ sư ô tô Lê Tiến Hiếu, cố vấn dịch vụ của gara ô tô Bảo Tín (đường Chiến Thắng, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, mỗi ngày cơ sở này tiếp nhận mới trên dưới 15 xe. Ngoài những hạng mục bảo dưỡng lớn, sửa chữa về khung, gầm, máy hay chăm sóc sơn xe, đánh bóng, gara này còn tiếp nhận nhiều trường hợp xe phải sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống điều hoà, nước làm mát,...
"Những ngày này, điều hoà yếu, không mát là bệnh mà chủ xe thường phải mang ngay đến gara. Có rất nhiều nguyên nhân như hệ thống dây dẫn bị thủng, hỏng lốc điều hòa, chuột cắn đứt dây cảm biến nhiệt độ ngoài trời, cảm biến áp suất, quạt giải nhiệt dàn nóng trục trặc, mô tơ hòa trộn gió trong taplo hỏng, lọc gió điều hòa bẩn,... Nói chung với những bệnh liên quan đến điều hoà, đội ngũ kỹ thuật phải kiểm tra kỹ mới biết được", anh Hiếu nói.
Tương tự, gara ô tô Kiên Phong chuyên về điều hoà ô tô tại Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) mỗi ngày cũng tiếp nhận gần chục chiếc xe phải xử lý các vấn đề liên quan đến điều hoà, chủ yếu được chuyển về từ các gara khác không chuyên hoặc không xử lý được.
"Các xe cũ sử dụng tầm 10-15 năm đa số đều gặp các vấn đề về điều hoà trong mùa này. Nhẹ thì giàn nóng, giàn lạnh bị bụi bẩn két lại dẫn đến kém mát, khắc phục hết vài trăm nghìn. Nặng hơn thì rò rỉ làm hết ga; nhiều trường hơp còn hỏng lốc, cháy mô tơ,... chi phí khắc phục đến cả vài chục triệu tuỳ từng xe", anh Dương Trung Kiên - chủ cơ sở trên chia sẻ.
Còn gara ô tô Đại Linh của kỹ sư Lê Hồng Đại ở thị trấn Phùng (Đan Phượng, Hà Nội) từ đầu hè đến nay cũng luôn trong tình trạng đông kín xe. Khách muốn đến bảo dưỡng lớn đều phải đặt trước, còn đội thợ luôn tay luôn chân.
Ngoài các vấn đề về điều hoà, những "bệnh" thường gặp ngày hè tại đây còn liên quan đến xe bị quá nhiệt, hết nước làm mát hoặc các vấn đề liên quan đến lốp, phanh,...
Cần chú ý đến những bộ phần nào khi sử dụng xe mùa nóng?
Trao đổi với VietNamNet, kỹ sư ô tô Lê Hồng Đại cho rằng, một số bộ phận của ô tô dễ gặp vấn đề, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn cũng như thoải mái của hành khách khi vào mùa nắng nóng. Do vậy, cần chú ý chăm sóc ngay từ đầu mùa hè để tránh rủi ro, phiền phức không đáng có.
Kỹ sư Đại chỉ ra một số bộ phận cần chú ý đặc biệt như sau:
Thứ nhất, hệ thống điều hoà: Đây là bộ phận không thể thiếu và được sử dụng liên tục khi trời nắng nóng, do đó việc kiểm tra và bảo dưỡng điều hòa là cực kỳ quan trọng, ngay khi hệ thống này vẫn hoạt động bình thường vào đầu hè.
Thông thường, xe cần được kiểm tra lượng ga làm mát, dầu bôi trơn của máy nén khí (lốc điều hoà); kiểm tra quạt gió, bộ lọc gió điều hoà để làm sạch, sửa chữa hoặc thay thế nếu cần.
Ngoài ra, lái xe cũng kiểm tra hiện trạng dàn nóng, dàn lạnh trên xe. Nếu có bị bụi bẩn sau một thời gian sử dụng thì nên làm sạch các bộ phận này để hệ thống điều hòa làm mát nhanh và sâu, đồng thời giúp tiết kiệm nhiên liệu cho xe.
Thứ hai, hệ thống nước làm mát: Thời tiết nắng nóng của mùa hè khiến nhiệt độ của động cơ tăng nhanh. Điều này khiến hệ thống làm mát nói chung và nước làm mát nói riêng phải hoạt động hết công suất, dẫn tới việc dễ bị hao hụt.
Vì thế, lái xe cần kiểm tra nước làm mát của ô tô thường xuyên và bổ sung ngay khi thiếu, tránh tình trạng hệ thống máy móc của xe phải hoạt động trong tình trạng quá nhiệt gây hỏng hóc, thậm chí xe phải nằm đường.
Kỹ sư Đại cho rằng, nước làm mát phải được thay thế, bổ sung bằng loại nước chuyên dụng (thường có màu xanh hoặc hồng) bởi đây là loại dung dịch có khả năng làm mát nhanh hơn và chống đóng cặn sau một thời gian sử dụng.
Thứ ba là lốp xe: Lốp là bộ phận duy nhất tiếp xúc trực tiếp với mặt đường khi xe di chuyển. Vào mùa hè, nhiệt độ của đường nhựa có thể lên tới trên 70 độ C, cộng với ma sát khiến lốp xe dễ có nguy cơ nổ khi đang di chuyển rất nguy hiểm.
Để giảm thiểu sự cố nổ lốp xe ô tô, lái xe nên kiểm tra phần lốp kĩ càng, đặc biệt trước mỗi chuyến đi đường dài và những ngày có nhiệt độ cao. Nếu lốp xe đã quá mòn hoặc đã sử dụng quá 5 năm, cũng đừng tiếc tiền để thay một bộ lốp mới.
Ngoài ra, vào mùa nóng cần đặc biệt chú ý đến dầu nhớt, ắc-quy, hệ thống phanh, lọc gió, nước rửa kinh và gạt mưa,... bởi đây cũng là những bộ phận dễ gặp hư hỏng khi gặp nền nhiệt quá cao.
Theo Hoàng Hiệp (VietNamNet)