Năm nguyên tắc cầm lái để không trở thành 'xe điên'

15/05/2019 09:02:36

Những việc nguy hiểm tài xế Việt hay làm khi lái ôtô

Trường hợp đạp nhầm chân ga chỉ xảy ra đối với những người non kinh nghiệm hoặc tâm lý không ổn định.

Là giáo viên hướng dẫn học lái xe, tôi muốn chia sẻ các phương pháp để hạn chế tối thiểu trường hợp đạp nhầm chân ga đối với xe số tự động khi điều khiển xe trên đường.

Thứ nhất, đối với bàn đạp ga, người lái cần tập thói quen điều khiển thật nhẹ nhàng. Có nghĩa, khi tác động lên bàn đạp ga, nên tỳ nhẹ dần xuống và phải tập lắng nghe, cảm nhận được tiếng động cơ lớn dần lên, không nên đạp với lực mạnh.

Thứ hai, gót giày chân phải nên đặt thẳng với bàn đạp phanh, khi cần nhịp ga nên cố định gót chân và chếch xéo mũi giày về bên phải là sẽ gặp bàn đạp ga (không nên dịch chuyển gót chân khi điều khiển ga và phanh).

Thứ ba, mỗi sáng lên xe sau khi đã khởi động động cơ, không nên di chuyển ngay. Nên dành 5 phút ngồi trên ghế lái tập chân phải chuyển qua chuyển lại giữa hai bàn đạp ga và phanh, đồng thời nghĩ thầm trong đầu "cái này là ga", "cái này là phanh".

Cứ tập liên tục như vậy trong vòng vài phút (thời gian này cũng đủ để động cơ nóng lên và hoạt động ổn định hơn trước khi cho xe lăn bánh). Trong quá trình lái xe cũng vậy, những tình huống cần phải giảm tốc độ, nên đặt mũi giày qua bàn đạp phanh đồng thời nên nghĩ trong đầu "đặt chân qua phanh" và ngược lại khi muốn đặt chân qua bàn đạp ga cũng thực hiện tương tự, nghĩ thầm trong đầu "đặt chân qua ga".

Bài tập này dựa vào phương pháp "Độc thoại nội tâm" (là phát ngôn của nhân vật nói với chính bản thân, trực tiếp phản ánh quá trình tâm lý bên trong; kiểu độc thoại thầm, mô phỏng hoạt động suy nghĩ, xúc cảm của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó - Tự điển Bách khoa).

Đừng vội đưa ra nhận xét về phương pháp tôi vừa chia sẻ, mà hãy thử vận dụng vào thực tế, trải nghiệm thử. Sau khoảng 50 giờ lái xe, bạn sẽ thấy kết quả của nó như thế nào.

Năm nguyên tắc cầm lái để không trở thành 'xe điên'
Thứ tư, phương pháp sử dụng chân phải để điều khiển ga và phanh (Hình minh họa).

Khi muốn di chuyển mũi giày từ ga qua phanh: thực hiện ngay, càng nhanh càng tốt. Khi muốn di chuyển mũi giày từ phanh qua ga: không nên nhả phanh bỏ qua ga liền mà nên thực hiện theo hai bước. Đầu tiên nhấc mũi giày chân phải lên nhưng chân vẫn đặt trên bàn đạp phanh, ngưng lại từ 3 đến 5 giây (thời gian này cũng đủ để bạn quan sát tình huống trước đầu xe) rồi sau đó mới quyết định có đặt mũi giày qua bàn đạp ga để nhịp ga hay không.

Thứ năm, khi vào số tiến (D) hoặc lùi (R) nên nhìn xuống cần số để không vào nhầm số, sau đó kiểm tra lại đèn hiển thị số trên bảng táp-lô một lần nữa rồi mới từ từ nhả chân phanh cho xe lăn bánh.

Chúc các bạn lái xe an toàn!

Độc giả Nguyễn Kim Hoàng

Theo VnExpress.net

Nổi bật