Ô tô vốn được xem là phương tiện đi lại nhưng tại VN giá bán quá cao khiến sản phẩm này trở thành một thứ hàng hoá xa xỉ. Với đại đa số người Việt có mức thu nhập trung bình, phải mất gần chục năm trời lao động, tích góp mới dám mơ tới việc sở hữu một chiếc ô tô. Trong khi đó, ngó sang các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia hay xa hơn là Ấn Độ... có lẽ những ai ước mơ sở hữu ô tô cũng không khỏi thèm thuồng khi giá xe thấp hơn tại VN hàng trăm triệu đồng.
Tại Ấn Độ, mẫu xe cỡ nhỏ như Hyundai Grand i10 được xem là xe giá rẻ khi chỉ ở mức 458.000 - 733.000 rupee, tương đương 153 - 245 triệu đồng. Thế nhưng khi mẫu xe này được nhập khẩu về bán tại VN, mức giá sau thuế phí đến tay người tiêu dung lại cao gấp 2 - 3 lần. Gần đây, có thông tin Hyundai Grand i10 được lắp ráp tại VN, giá bán giảm nhưng vẫn ở mức 315 - 415 triệu đồng, thậm chí con số này còn tăng thêm từ 40 - 50 triệu đồng khi xe lăn bánh.
Với Toyota Fortuner, mẫu xe 7 chỗ thuộc dạng “hàng hot” tại VN, kể từ khi ra mắt vào đầu năm đã có giá bán 981 triệu đồng - 1,308 tỉ đồng. Tính cả chi phí lăn bánh theo mức đóng lệ phí trước bạ trung bình hiện nay là 10%, giá xe leo thang tới 1,093 - 1,452 tỉ đồng. Trong khi đó, tại Indonesia, nơi xuất khẩu mẫu xe này sang VN, giá bán Fortuner chỉ từ 766 - 883 triệu đồng.
Nói đâu xa, mới đây khi nghe thông tin Honda ra mắt mẫu xe CR-V thế hệ mới tại VN, tôi cũng tò mò dò xem giá bán mẫu xe này so với các thị trường khác trong khu vực. Tại Indonesia, các phiên bản của CR-V mới có giá từ 466 - 506 triệu rupiah, đổi sang tiền Việt chỉ khoảng 784 - 851 triệu đồng. Người dân Malaysia mua mẫu xe này với giá từ 142.000 - 167.700 ringgit tương đương khoảng 760 - 895 triệu đồng. Trong khi đó, tại VN mẫu xe này ra mắt vào giữa tháng 11.2017 được công bố mức giá 1,1 tỉ đồng.
Đành rằng, mỗi chiếc ô tô bán tại VN phải chịu gánh nặng thuế phí, nhưng khi qua tay các đại lý, mức lợi nhuận của DN… khiến người tiêu dùng Việt phải chịu thiệt thòi khi mua xe với giá cao hơn giá trị thực. Chứng kiến việc giảm giá của các DN, đại lý bán ô tô tại VN từ đầu năm đến nay có thể thấy rõ. Một chiếc Mazda CX-5 đời cũ hiện nay, đại lý sẵn sàng bán với giá 879 - 989 triệu đồng nhưng khoảng 6 tháng đến 1 năm trước, giá mẫu xe này lên tới hơn 1 tỉ đồng. Honda CR-V từng hạ giá đến dưới 800 triệu đồng, nhưng chỉ chưa đầy 1 năm trước, để mua mẫu xe này nhiều người Việt phải bỏ ra tới gần 1,2 tỉ đồng.
Giá cao đã đành nhưng những ai “có điều kiện” mua ô tô tại VN đặc biệt với các dòng xe nhập khẩu đều phải mòn mỏi chờ đợi. Với Honda CR-V mới, người mua phải chờ sang năm 2018 mới có thể sở hữu được. Trước đó, các mẫu xe Chevrolet Traiblazer, Toyota Wigo, Suzuki Celerio… khi xuất hiện hoành tráng tại Triển lãm ô tô Việt Nam hồi tháng 8.2017 cũng được các hãng “hẹn” sang 2018 mới chính thức bán tại VN. Trong khi đó, tại Thái Lan, các phiên bản Chevrolet Traillazer dường như đã lăn mòn bánh. Suzuki Celerio tại Ấn Độ đã được nâng cấp lê phiên bản mới so với bản từng được giới thiệu tại VN. Gần nữa năm trời chờ đợi cho một mẫu xe mới, trong bối công nghệ phát triển như vũ bão… cũng là khoảng thời gian đủ để một sản phẩm dần trở thành “cũ”.
Bên cạnh đó, một số mẫu ô tô nhập khẩu về VN bán với giá cao gấp 1,5 - 2 lần vẫn thiếu hụt nhiều tính năng, công nghệ so với các thị trường khác trên thế giới. Honda CR-V mới tại thị trường Thái Lan được trang bị tính năng mở cốp rảnh tay, ghế phụ chỉnh điện, cần số điện tử, hệ thống cảnh báo điểm mù hay một loạt các tính năng an toàn… nhưng khi về VN đều đã bị cắt giảm.
Tích cóp, tiết kiệm để hiện thực giấc mơ sở hữu một chiếc ô tô vốn được xem là phương tiện nhưng thực tế người Việt vẫn phải chịu không ít thiệt thòi!
Theo độc giả Hoàng Quý (Thanh Niên Online)