Đến gần cuối tháng 6, nhiều hãng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe tại Việt Nam cho biết tình trạng khan hàng, thiếu xe để bán vẫn tiếp diễn. Nhiều mẫu xe thời điểm hiện tại không thể đáp ứng đủ số lượng để trả khách theo đơn đặt hàng.
Người mua xe phải chờ đợi nhiều tháng đến cả năm trời dù đã ký hợp đồng đặt cọc, thậm chí chấp nhận mua chênh giá (bia kèm lạc) từ vài chục đến hơn trăm triệu đồng.
Trong đó, Toyota Raize là một trong những mẫu xe đang rất khan hiếm. Lịch giao xe có thể kéo dài đến năm 2023, thậm chí một số đại lý thông báo không nhận ký hợp đồng đặt cọc nữa vì chưa biết bao giờ có xe.
Toyota Raize 2022 hiện được phân phối với 1 phiên bản có giá niêm yết 527-535 triệu đồng tùy theo màu sắc. Tuy nhiên, vì khan hàng nghiêm trọng, khiến các đại lý Toyota tung chiêu bán "bia kèm lạc" với các gói phụ kiện trị giá 50-60 triệu đồng để kiếm lời.
Cùng với Raizer, mẫu xe SUV cỡ lớn nhà Toyota, Land Cruiser hiện cũng đang gây sốt thị trường. Kể từ lúc ra mắt, Toyota Land Cruiser 2022 luôn ở trong tình trạng "cháy hàng" trên toàn thế giới bất chấp giá bán không hề rẻ.
Tại Việt Nam, nếu muốn đặt hàng chính hãng, khách hàng phải chờ tới cả năm để có thể mua mẫu xe này, dù giá chênh cao kỷ lục lên đến 1,3 tỷ đồng so với giá niêm yết ở mức 4,6 tỷ đồng. Tại thị trường Nhật Bản, khách hàng còn phải xếp hàng đợi đến 4 năm mới có xe về tay.
Không riêng gì Toyota Raizer, Land Cruiser, hai mẫu xe nhà Hyundai, SantaFe và Tucson, tình trạng hiếm xe kéo từ đầu năm đến nay vẫn chưa được cải thiện.
Khan hàng, cộng theo mức chênh kỷ lục tại các đại lý khiến khách mua xe không khỏi bức xúc. Cụ thể, Hyundai Santafe có giá niêm yết 1 tỷ 030 triệu - 1 tỷ 340 triệu đồng. Khách hàng phải chấp nhận mua thêm gói phụ kiện cao nhất lên đến 130 triệu đồng mới được đại lý ưu tiên nhận xe sớm.
Tương tự, Hyundai Tucson có giá niêm yết 825 triệu đến 1,030 tỷ đồng. Nhưng mức chênh giá hiện tại của mẫu xe này có nơi đạt đến 150 triệu đồng.
Trên khắp các diễn đàn mạng, nhiều khách hàng than vãn việc ký, đặc cọc mua xe nhưng đại lý, nhân viên sale hứa lên hứa xuống vẫn không có xe để giao. Đa số khách hàng kháo nhau bỏ cọc, chuyển hướng mua xe khác.
Ngoài những mẫu xe nói trên, Ford Ranger, Ford Explorer 2022 hay Kia Seltos, Kia Sonet cũng đang rơi trong tình trạng khan hàng, lượng xe sản xuất không đủ cung cấp cho các đại lý khiến nhiều khách đặt mua ở thời điểm hiện tại phải chờ 2-3 tháng mới nhận được xe.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng các mẫu ô tô mới khan hiếm hàng được các hãng cho biết là do chuỗi cung ứng chip, linh kiện sản xuất ô tô trên thế giới bị đứt gãy bởi tác động của đại dịch Covid-19, đặc biệt cuộc khủng hoảng Ukraine gần đây đã khiến cho chuỗi cung ứng càng trở nên khó khăn hơn…. Nhiều hãng xe không đủ linh kiện, chip để lắp ráp, nhà máy phải tạm ngừng sản xuất. Từ đó dẫn đến thiếu hụt xe, cung không đủ cầu.
Dù vậy, khá vui mừng doanh số thị trường ô tô Việt Nam trong tháng 5 vừa qua vẫn tăng trưởng đạt 43.816 xe, tăng 3,4% so với tháng 4/2022 và tăng 71% so với tháng 5/2021.
Theo Y Nhụy (VietNamNet)