Năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm khoảng 1 tháng trước Tết Nguyên đán là thị trường xe lại “nóng hừng hực” do nhu cầu mua xe đi chơi Tết, du xuân rất lớn. Nhiều người lường trước điều này và đã rục rịch mua xe từ ngay từ khoảng tháng 11 âm lịch để tránh xe lên giá. Thế nhưng, liệu “nước cờ” này có còn đúng trong năm nay?
Điều này rất khác khi cũng vào thời điểm cận Tết của những năm trước, khách hàng liên tục phàn nàn về việc các đại lý cố tình găm hàng, tâng giá, thậm chí bán xe theo kiểu “bia kèm lạc”.2020 là một năm khá khó khăn đối với thị trường ô tô khi đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Tại thời điểm đầu tháng 12 (giữa tháng 10 âm lịch), nhiều đại lý vẫn đang giảm giá sâu, kèm theo đó là các chương trình khuyến mại, quà tặng kèm theo nhằm tiếp tục kích cầu.
Nhiều chuyên gia nhận định, do năm nay lượng xe tồn vẫn còn nhiều nên các chương trình khuyến mại, giảm giá xe mới có thể vẫn được duy trì đến sát Tết Nguyên đán, thậm chí càng gần Tết lại càng giảm giá sâu để khách hàng chốt nhanh hơn, hạn chế để hàng tồn qua năm sau.
Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, nên để cận Tết mới mua xe bởi lúc đó đã bước sang năm 2021, khi đăng ký xe sẽ được "đời cao" hơn so với mua tại thời điểm này vẫn là năm 2020. Điều này có lợi khi bán xe sau này.
Tuy vậy, nếu để sang tháng 1/2021 mới mua thì khách hàng sẽ không được hưởng 50% lệ phí trước bạ theo Nghị định 70/2020/NĐ-CP đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Khi đó khách hàng phải cân đối vì kể cả có mua được xe với giá thấp thì giá lăn bánh của chiếc xe cũng bị tăng lên đáng kể.
“Nếu bạn quyết định mua một chiếc xe lắp ráp trong nước thì tháng 12 dương lịch sẽ là thời điểm thuận lợi nhất. Còn nếu một chiếc xe nhập khẩu thì nên mua vào đầu năm 2021, tức là gần Tết Nguyên đán”, một chuyên gia về thị trường ô tô đưa ra lời khuyên.
Đối với thị trường ô tô đã qua sử dụng, giới mua bán xe cũ đều khẳng định chắc nịch: “Càng gần Tết giá xe sẽ cao và càng khó mua hơn”.
Anh Nguyễn Trí Long – Chủ một showroom ô tô cũ tại quận Cầu Giấy cho rằng, thị trường xe cũ ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 hơn xe mới. Ngay từ khi hết tháng “ngâu” (tháng 7 âm lịch), xe cũ đã bắt đầu được nhiều người tìm hiểu, săn mua.
Tại showroom của anh Long, những chiếc xe bán chạy nhất vẫn là các mẫu xe bình dân của Toyota, Hyundai, Kia,… với mức giá dao động khoảng 300-500 triệu đồng.
Anh Long chia sẻ: “Thông thường, càng gần Tết thì nhu cầu mua xe càng cao, một số mẫu xe sẽ 'cháy' sớm nên khách hàng không còn nhiều sự lựa chọn. Thời điểm sát Tết, chúng tôi cũng không dám nhập quá nhiều xe vì chỉ cần qua Tết không bán được là sẽ lỗ nặng”.
Do đó, anh Long cũng khuyên các khách hàng đang có ý định mua xe trước Tết nên tìm hiểu, chốt xe càng sớm càng tốt chứ không cứ gì phải đến sát Tết mới đi mua xe.
Anh Dương Trung Kiên – một người có kinh nghiệm về mua xe cũ cho rằng, khác với xe mới, xe ô tô đã qua sử dụng cần phải có thời gian so sánh, đi thử, đánh giá, kiểm tra kỹ càng trước khi “xuống tiền”, tránh tình trạng quyết định gấp gáp, “chọn đại” rồi sau đó hối tiếc.
Theo anh Kiên, nếu mua xe vào thời quá sát Tết, khách hàng có thể sẽ tìm được một chiếc xe giá rẻ do chủ xe cần bán gấp để chi tiêu. Nhưng cũng có thể sẽ gặp rủi ro như mua “hớ”, mua phải xe lỗi hay giấy tờ có vấn đề.
“Một chiếc xe cũ khi mua về cũng cần phải được kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế phụ tùng, thậm chí phải “mông má” lại. Thế nên nếu có ý định mua xe trước Tết, bạn nên mua ngay vào khoảng tháng 11 âm lịch là thích hợp nhất”, anh Kiên đưa ra lời khuyên.
Chiếc xe mới là phần thưởng cho một năm làm việc vất vả, đồng thời xen lẫn trong đó là sự tự hào, hãnh diện khi sở hữu xế hộp. Do vậy, hãy chọn thời điểm thích hợp nhất để “tậu” một chiếc xe đẹp với giá “hời”, cùng gia đình đón Tết, du xuân.
Theo Hoàng Hiệp (VietNamNet)