Là một trong những nền công nghiệp ô tô hàng đầu thế giới, Nhật Bản là quê hương của nhiều hãng xe nổi tiếng và có uy thế trên thị trường thế giới với ví dụ tiêu biểu nhất là Toyota. Trong xu thế sản xuất và tiêu dùng xe điện đang ngày một nở rộ hơn, các đơn vị trong ngành này tại Nhật Bản cũng đang tìm cách để không bị tụt lại phía sau.
Văn phòng Kinh tế và Thương mại Trung ương Nhật Bản (Central Japan Economic and Trade Bureau) đã tổ chức một buổi hội thảo có sự tham gia của nhiều đại diện các đơn vị trong ngành ô tô Nhật. Buổi hội thảo nhằm thảo luận và tìm hiểu thêm về các vấn đề liên quan đến xe điện sử dụng pin.
Cụ thể hơn, buổi hội thảo này đại diện từ 70 công ty sản xuất phụ tùng xe Nhật Bản. Buổi hội thảo có không gian trưng bày sản phẩm của các nhà sản xuất nước ngoài, gồm 90.000 linh-phụ kiện và 16 mẫu xe điện từ nhiều thương hiệu nổi bật.
Tuy nhiên, tâm điểm của hội thảo dường như nằm tại nơi trưng bày 3 mẫu xe điện dạng tiêu bản - tức là đã tháo tung toàn bộ linh kiện ra. 3 mẫu xe trưng bày ở dạng tiêu bản này lần lượt là Tesla Model Y, NIO ET5 và BYD Yuan Plus.
Tờ Nikkei tường thuật lại sự việc, cho rằng người tham gia đã rất ngạc nhiên và luôn tự vấn: "Sao có thể sản xuất với chi phí thấp như vậy?"
BYD Yuan Plus là mẫu xe có lẽ được chú ý tới nhiều nhất. Mẫu xe tới từ Trung Quốc này do nhà sản xuất ô tô điện lớn thứ 2 thế giới nghiên cứu và phát triển, có giá bán tại thị trường nội địa khoảng 140.000 tệ (khoảng 500 triệu đồng).
Tại thị trường nước ngoài, BYD bán Yuan Plus dưới tên Atto 3; mẫu xe này đang được bán tại Việt Nam với giá niêm yết từ 766 triệu đồng, nằm tại phân khúc hạng B+ tương tự Toyota Corolla Cross. Trong khi đó, mẫu xe rẻ nhất của BYD bán tại thị trường nội địa là Seagull - có giá 69.800 tệ (khoảng 248,5 triệu đồng).
Giá bán rẻ là một chuyện, bán giá rẻ nhưng vẫn mang về lợi nhuận mới là điều đáng chú ý.
Một trong những lợi thế mà BYD có được là bởi công ty này có xuất phát điểm là một nhà sản xuất pin xe điện - bộ phận quan trọng bậc nhất và là linh kiện đơn lẻ có giá trị cao nhất trên xe điện. Tính trong 9 tháng đầu năm nay, BYD nắm giữ 16,4% thị phần pin xe điện toàn thế giới, đứng sau CATL với 37,1%.
Không những thế, BYD còn đang thực hiện một điều dường như trái ngược với nhiều nhà sản xuất khác trên thế giới, đó là tự làm gần như toàn bộ linh-phụ kiện của xe. Ngoại trừ kính và lốp xe, BYD đang sản xuất toàn bộ linh kiện và các cụm chi tiết của mẫu Dolphin.
Tự sản xuất linh kiện thay vì mua từ đơn vị thứ 3 giúp hãng cắt giảm chi phí sản xuất, giảm phụ thuộc và trở nên vững vàng hơn trước các biến động trên thế giới, ví như Covid-19 từng làm chuỗi cung ứng chíp bán dẫn toàn thế giới đứt gãy, khiến nhiều hãng xe phải giảm quy mô sản xuất để chờ chíp.
Cùng với đó, BYD cũng đang thiết kế các cụm chi tiết tích hợp, ví dụ như trục xe E-Axle chứa tới 8 linh kiện quan trọng.
Trưởng một bộ phận của Nissin Seiki, ông Sho Kato, tham gia sự kiện và bày tỏ: "Tôi cảm thấy ngạc nhiên khi BYD và Tesla sử dụng rất ít chi tiết. Công ty của chúng tôi cũng hy vọng sẽ phát huy được những kinh nghiệm của mình khi tham gia vào lĩnh vực xe điện".
Không gian trưng bày xe điện này đã mở từ tháng 3/2022, thu hút khoảng 450 đơn vị tới tham quan và học hỏi. Tới cuối tháng 10 này, mẫu xe điện IONIQ 6 của Hyundai sẽ tiếp tục được mang tới trưng bày.
Theo Nhật Quỳnh (Nhịp Sống Thị Trường)